Hội thảo dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và TS. Trần Công Phàn – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cùng sự tham gia của đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Tại hội thảo, các báo cáo viên, chuyên gia đã giới thiệu, phân tích, làm rõ quy định của Luật đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan về chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; nhận diện thực trạng, bất cập trong thời gian vừa qua; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh: Nghị quyết 18-NQ/TW được kỳ vọng tạo ra những đột phá mạnh mẽ, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nghị quyết định hướng nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm. Đồng thời Nghị quyết số 18-NQ/TW khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” và chỉ rõ tính tài sản của quyền sử dụng đất. Nghị quyết cũng định hướng mở rộng quyền tiếp cận đất đai đối với người dân và doanh nghiệp…
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết, sau gần 8 năm tổ chức thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013 dần bộc lộ nhiều hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013 (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều (do gộp 13 điều; bỏ 13 điều và tách 4 điều).
Luật mới cũng kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.
Đáng chú ý, luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Đối với cơ quan, người có thẩm quyền, ngoài nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác… thì đã bổ sung nghiêm cấm đối với các hành vi: không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; và phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Khi có nhiều nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Một vướng mắc rất lớn khác, đó là khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hóa.
“Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất, cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa” – PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nói.
Nguồn: https://www.congluan.vn/luat-dat-dai-2024-duoc-ky-vong-nang-cao-hieu-qua-chong-lang-phi-va-vi-pham-trong-su-dung-dat-cong-post308977.html