Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương chia sẻ với Báo Giao thông về những việc cần làm ngay để đảm bảo tiến độ Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Khởi công dự án cuối năm 2027, cơ bản hoàn thành năm 2035
Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án?
Đây là một thời khắc đặc biệt với những người tham gia xây dựng dự án vì sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Quá trình thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, Bộ GTVT đã nhận được các ý kiến đóng góp và đã tiếp thu, báo cáo Chính phủ chỉnh lý nghị quyết để trình Quốc hội.
Ông có thể biết các thông tin cơ bản về dự án được Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư?
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng; sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đặt mục tiêu khởi công và hoàn thành năm nào thưa ông?
Nghị quyết Quốc hội đã thống nhất một số mốc tiến độ thực hiện như sau: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025; khởi công vào cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.
Giải phóng mặt bằng song trùng với bước lập báo cáo khả thi
Để đảm bảo tiến độ đã được Quốc hội thông qua, tới đây Bộ GTVT sẽ phải triển khai ngay những công việc gì thưa ông?
Tại Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ Dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai đầu tư hiệu quả.
Để cụ thể hóa các chính sách này, Chính phủ sẽ họp và ban hành Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, ngành sẽ được Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ như: Bộ GD&ĐT có thể được giao chủ trì về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Bộ KH&CN chủ trì về chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì về giải phóng mặt bằng, cơ chế giải phóng mặt bằng… Nhiệm vụ là cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện các chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn, đây là văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện.
Bộ GTVT sẽ khẩn trương thực hiện ngay nhiệm vụ được Chính phủ giao và phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ về nội dung văn bản quy phạm pháp luật này.
Đối với việc thực hiện các bước tiếp theo triển khai dự án, Bộ GTVT sẽ phải bắt tay ngay vào các công việc tổ chức lựa chọn tư vấn quản lý dự án và tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/s).
Cùng đó, làm việc với địa phương để cụ thể hóa chi tiết về hướng tuyến, nhà ga và phạm vi giải phóng mặt bằng để triển khai giải phóng mặt bằng song trùng với bước lập F/s để có thể khởi công vào cuối năm 2027.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để làm cơ sở triển khai dự án thời gian tới.
Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ và nhiều công việc quan trọng khác.
Ban QLDA Đường sắt sẽ triển khai ngay những phần việc gì, thưa ông?
Chúng tôi xác định rõ, việc triển khai dự án sẽ có nhiều thách thức, khối lượng công việc rất nhiều, nhiệm vụ rất nặng nề.
Với vai trò là Ban QLDA quản lý chuyên ngành sẽ phải bắt tay ngay vào kiện toàn tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý dự án để bảo đảm đủ năng lực quản lý đầu tư xây dựng dự án. Theo đó, sắp xếp, kiện toàn lại các bộ phận thuộc Ban để đảm bảo phù hợp với mô hình, bổ sung nhân sự, tổ chức đào tạo…
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được người dân và cử tri cả nước mong mỏi, nay đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Ngành GTVT và đường sắt nói riêng với tinh thần, quyết tâm cao nhất triển khai dự án theo tiến độ Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua và mong luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp thẩm quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương để triển khai thành công dự án.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lua-chon-ngay-tu-van-quan-ly-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-192241130161635837.htm