Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thống nhất chủ trương thực hiện nhà máy nhiệt điện Quảng Trị và lưu ý "công nghệ hiện đại, sạch, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường".
Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị thực hiện trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Ngày 14-2, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay Tỉnh ủy vừa có thông báo kết luận về một số nội dung kinh tế - xã hội quan trọng.
Yêu cầu công nghệ hiện đại
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh việc tiếp tục thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, giao UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét giao Tổng công ty Phát điện 1 nghiên cứu thực hiện dự án nhiệt điện Quảng Trị.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý: "Công nghệ sử dụng đối với dự án nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, sạch, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường tại khu vực triển khai dự án và lân cận".
Trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trị, giao UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét, cho phép chuyển đổi dự án từ sử dụng nhiên liệu than sang LNG và bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
EVNGENCO1 muốn làm chủ đầu tư
Trước đó, ngày 7-2, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị đề xuất làm chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Quảng Trị hiện với tổng mức đầu tư 55.000 tỉ đồng, dự kiến phát điện cuối năm 2030.
Đến ngày 11-2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có văn bản đề xuất để EVNGENCO1 làm chủ đầu tư dự án này. EVN đánh giá Tổng công ty Phát điện 1 có năng lực, kinh nghiệm, nguồn vốn… để đầu tư, vận hành các nhà máy nhiệt điện.
Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị có công suất 1.320MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 660MW, đã được cập nhật vào danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tháng 8-2013, dự án được Thủ tướng đồng ý cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỉ đồng.
Đến tháng 7-2024, Bộ Công Thương thống nhất để EGATi dừng dự án này. Do đó, dự án chưa có chủ đầu tư.
Tháng 10-2024, Quảng Trị có văn bản gửi Bộ Công Thương xin chuyển đổi dự án từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG, đồng thời tăng công suất từ 1.320MW lên 1.500MW. Đề xuất này hiện chưa nhận được phản hồi từ Bộ Công Thương.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lua-chon-cong-nghe-nao-voi-du-an-nhiet-dien-than-2-ti-usd-o-quang-tri-20250214095735032.htm
Bình luận (0)