Đều đặn các tối trong tuần, lớp học xóa mù chữ cho đồng bào ở xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh lại sáng đèn. Đây là lớp học rất đặc biệt bởi học viên đa phần đã làm bà, làm mẹ, họ đều có chung mơ ước học chữ để thay đổi cuộc sống.
“Con ong làm mật, yêu hoa. Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời. Con người muốn sống, con ơi. Phải yêu đồng chí, yêu người anh em…”.
Gần 21 giờ, khi chúng tôi đến Trường TH&THCS Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh), khoảng 20 học viên đang đánh vần từng từ trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.
Cứ đều đặn từ 20-22 giờ các ngày trong tuần, lớp học đặc biệt tại trường TH&THCS Nam Sơn lại sáng đèn. Gọi là lớp học đặc biệt bởi đây là lớp xóa mù chữ, học viên đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, cao tuổi, ban ngày bận công việc đồng áng, nương rẫy.
Ở tuổi 48, chị Phùn Thị Cứu (trú tại thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện ba Chẽ) mới bắt đầu làm quen với từng con chữ. Chị Cứu bảo, trước đây đọc tin nhắn, hay chuyển khoản đều phải nhờ đến con cái, nhưng đâu phải lúc nào cũng nhờ được. Bởi vậy khi địa phương mở lớp xóa mù chữ và vận động bà con, chị đã tham gia học.
“Tôi học gần hết một quyển sách, giờ đọc trôi chảy, viết được rồi! Giờ biết nhiều chữ rồi, tôi thấy thuận lợi hơn rất nhiều, không bị phụ thuộc vào người khác”, chị Phùn Thị Cứu cho hay.
Còn chị Phùn Ủng Múi (47 tuổi, trú tại thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện ba Chẽ) cho biết, trước đây vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học, không được biết chữ. Mọi việc liên quan đến giấy tờ đều phải nhờ người khác. Giờ có lớp học xóa mù chữ, nên ngày nào chị cũng tranh thủ sắp xếp công việc để đến lớp.
“Giờ nào đi làm về thì đến lớp giờ đấy, nếu hôm nào đi làm về sớm thì đến lớp sớm, có khi tầm 7 rưỡi tối đã đến lớp rồi. Chỉ mong rằng đọc được nhanh hơn, viết chữ ngày càng đẹp hơn thôi…”, chị Phùn Ủng Múi chia sẻ.
Lớp xóa mù chữ tại trường TH&THCS Nam Sơn hiện có khoảng 20 người dân thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh theo học. Ban đầu nhiều người còn e dè, một phần xấu hổ vì đã lớn tuổi, một phần vì sợ không tiếp thu được kiến thức. Đối với họ, việc cầm bút nắn nót từng nét chữ trên vở dường như còn khó hơn cầm cuốc, cầm dao. Thế nhưng, vì ước mơ biết đọc, biết viết, bà con đều tranh thủ sắp xếp công việc để đến lớp đầy đủ.
Đây là lần thứ hai cô giáo Đoàn Thị Hiền (trường TH&THCS Nam Sơn) đứng lớp xóa mù chữ cho bà con ở xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Cô Hiền cho biết, năm 2021-2022, cô dạy xóa mù chữ cho học viên ở thôn Khe Sâu, còn năm nay cô dạy xóa mù chữ cho học viên ở thôn Nam Hả Trong. Trong suốt quá trình học sẽ có hai giáo viên cùng tham gia hỗ trợ giảng dạy.
“Học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là những người lớn tuổi, nhưng họ đều có mong muốn được biết chữ. Do đó, học viên đều rất chăm chỉ đến lớp học, tuy nhiên, một phần vì học viên đã lớn tuổi, một phần vì học viên còn cảm thấy ngại, chưa mạnh dạn. Dù khi đọc vẫn còn ngọng, khi viết chữ vẫn hơi run,… nhưng bà con đều rất thích học, hứng thú trong quá trình học tập, cố gắng tham gia lớp học đầy đủ. Chỉ những hôm nào trời mưa to lắm thì học viên mới nghỉ, có học viên còn muốn học cả Chủ nhật nữa. Thỉnh thoảng học viên đến lớp còn mang cho giáo viên chúng tôi bắp ngô, củ sắn, quả dứa,…”, cô Hiền kể.
Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ, năm 2024, bà con tích cực tham gia các lớp xóa mù hơn. Đối với những xã có tỷ lệ người mù chữ thấp, giáo viên đứng lớp sẽ thực hiện giao bài và hướng dẫn trực tiếp; đồng thời kết hợp với Đoàn Thanh niên, con cháu trong gia đình hỗ trợ thêm ngay tại nhà.
Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Ba Chẽ cho biết thêm, theo mục tiêu chung của tỉnh Quảng Ninh, huyện cố gắng giảm thiểu tối đa nhất số lượng người mù chữ trên địa bàn. Do vậy, thời gian qua, cùng với việc tích cực vận động người từ 15 đến 60 tuổi tham gia học các lớp học xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, Phòng đã chỉ đạo các trường cử giáo viên có năng lực, nhiệt huyết dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần.
Những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà… đã tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ cho người dân. Nhờ đó người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin mới, nâng cao hiểu biết, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.
Cho đến nay, Quảng Ninh đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Bên cạnh đó, 100% đơn vị cấp huyện và 99,43% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, số người từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 1 là 99,68%, biết chữ mức độ 2 là 99,25%.
Có thể thấy, việc mở lớp xóa mù có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa nghèo bền vững; đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao.
Nguồn: https://danviet.vn/lop-xoa-mu-chu-o-huyen-vung-cao-cua-quang-ninh-20241111172450277.htm