Ngày 3/2 (ngày mùng 6 tháng giêng), CLB Truyền thống Kháng chiến - Khối vũ trang biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến và cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đến dự Lễ dâng hương tưởng niệm có Trung tướng Phạm Văn Dỹ - nguyên Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Trần Văn Trai - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, cùng khoảng 200 đại biểu một số đơn vị Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM, các Sở ngành, quận, huyện; tướng lĩnh, gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Phát biểu tại Lễ dâng hương, ông Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nguyên Thư ký Thiếu tướng Trần Hải Phụng - Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định) đã ôn lại truyền thống của lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định là ước nguyện của Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu, Anh hùng LLVTND, Chỉ huy trưởng biệt động Thành) và gia đình thân nhân các liệt sĩ.
"Đây như một lời nhắc nhở các đồng đội còn sống và các thế hệ con cháu không được quên những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ xuân Mậu Tý 2008 đến nay, cứ đến Mùng 6 Tết, gia đình, con cháu của nhiều thế hệ lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng tề tựu về ngôi nhà chung, thành kính dâng hương, dâng hoa và làm giỗ tưởng nhớ đến các chiến sĩ biệt động đã anh dũng hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc", ông Phan Xuân Biên xúc động, nhấn mạnh.
Ông Phan Xuân Biên cho biết, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định ra đời trong kháng chiến chống Pháp, phát triển mạnh với những chiến công vang dội thời chống Mỹ. Lịch sử của lực lượng biệt động là bản anh hùng ca với những chiến công thần kỳ, mãi mãi được ghi nhận.
Lực lượng vũ trang khối biệt động từ thời Thiếu tướng Trần Hải Phụng xây dựng, đến các đồng chí Tư Tăng, Bảy Bê, Tư Chu, Đoàn Thị Nhỏ, gia đình ông Trần Văn Lai - Mai Hồng Quế,...đã tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tài liệu, hiện vật, xây dựng di tích, bảo tàng...
Đây là biểu tượng ngời sáng của tình nghĩa đồng đội, là bản lĩnh, trách nhiệm của "Bộ đội Cụ Hồ", từ đó lan tỏa truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.
Cùng ngày, tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM đã diễn ra Lễ động thổ khởi công Nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong Tết Mậu Thân 1968 do Quân khu 7 phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức.
Đây là công trình tiêu biểu, là biểu tượng của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn - Gia Định, đã kịp khánh thành nhân dịp đất nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm nay.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tphcm-long-trong-tuong-niem-tri-an-cac-liet-si-biet-dong-sai-gon-gia-dinh-10299231.html
Bình luận (0)