Phóng sự truyền hình “Ốc đảo hòa bình” – mà Nguyễn Quang Khánh và đồng nghiệp ở Liên Chi hội Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội thực hiện trong những ngày ở Nam Sudan là một trong những tác phẩm như thế. Phóng sự được trao giải B Giải Báo chí Quốc gia 2022, cho người xem thấy rõ, sự tích cực, lòng tốt và sự tử tế có sức mạnh rất to lớn.
Tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt
Để có tác phẩm này, anh và ê-kíp đã có chuyến tác nghiệp tại Bentiu – một trong những căn cứ lớn của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Đây cũng là chuyến tác nghiệp nước ngoài đầu tiên của anh vì thế sự chuẩn bị được tiến hành khá kỹ càng. Các thiết bị ghi hình, ghi âm và máy tính xách tay để đảm bảo thực hiện tốt 2 nhiệm vụ: đưa tin thời sự và thực hiện các tác phẩm dài trong chuyến công tác này.
Nam Sudan là địa bàn đang có xung đột và bất ổn, thậm chí trước thời điểm ê-kíp lên đường thì khu hỗ trợ dân cư (POC) gần vị trí đóng quân của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam đã xảy ra một vụ bạo lực, tuy nhiên tinh thần của người lính đi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan tin tưởng giao phó, anh thấy khá thoải mái.
Thực tế đề tài về những bác sĩ Mũ nồi xanh không mới nên anh và đồng nghiệp khao khát thực hiện các tác phẩm báo chí mang dấu ấn riêng của mình. Anh dành thời gian xem rất nhiều tác phẩm của những tiền bối về đề tài này và tự nhủ với lòng mình phải tích cực quan sát, tìm chi tiết, tích cực trò chuyện… khi đến địa bàn này.
Chuẩn bị là như vậy, tuy nhiên không phải mọi sự chuẩn bị đều phát huy hiệu quả. Nhà báo Nguyễn Quang Khánh chia sẻ: Nam Sudan luôn có bệnh sốt rét hoành hành, virus sốt rét thì tồn tại rất lâu và gây hại rất nghiêm trọng đến cơ thể. Chúng tôi không nắm được thông tin về nguy cơ này dù trước đó đã được Bộ Quốc phòng tổ chức cho tiêm phòng bệnh sốt vàng da (cũng là một mặt bệnh phổ biến ở Nam Sudan) nên hoàn toàn không chuẩn bị quần áo dài tay, thuốc ngừa sốt rét và xịt muỗi.
“Khi lần đầu đến đây, hình ảnh những bác sĩ đi tất, mặc quân phục dài tay, thậm chí khoác cả áo khoác khi ngủ ở trong màn làm chúng tôi nhớ mãi. Những ngày đầu, khi trời tối, tôi phải soạn tin bài ở trong màn. Anh em trong ê-kíp phải tự giác nhắc nhau uống thuốc ngừa sốt rét mỗi ngày. May mắn là chúng tôi đang hoạt động trong đội hình của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 Việt Nam nên nguy cơ này nhanh chóng được giải quyết”, Nguyễn Quang Khánh nhớ lại.
Thời tiết ở Nam Sudan ban ngày có thể nóng đến hơn 40 độ nhưng ban đêm nhiệt độ lại hạ rất thấp, biên độ nhiệt lớn khiến bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng tương đối về sức khỏe. Vấn đề an ninh trong khu căn cứ là khá tốt, tuy nhiên khi ra ngoài khu căn cứ và tiếp xúc với chính quyền và người dân bản địa, mỗi quân nhân đều phải tuân thủ tuyệt đối sự điều phối, hướng dẫn của Bệnh viện Dã chiến Việt Nam để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Lan tỏa tấm lòng nhân ái của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam
Phóng sự “Ốc đảo hòa bình” mặc dù chỉ dài hơn 20 phút, nhưng cuộc sống ở Bệnh viện Dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Nam Sudan như một bức tranh đầy màu sắc. Từng chi tiết được ê-kíp đưa vào sản phẩm đều là những chi tiết tạo được cảm xúc và ấn tượng. Đó là hình ảnh lực lượng cấp cứu đường không (AMET). Họ là những người sẽ cấp cứu ban đầu và đưa bệnh nhân nặng di chuyển bằng máy bay trực thăng đến các bệnh viện tuyến trên. Máy bay trực thăng của phái bộ UNISFA tuổi đời đã cao và được khai thác với tần suất lớn, địa bàn Nam Sudan lại đang có xung đột nên nhiệm vụ cấp cứu đường không là khá nguy hiểm. Tuy nhiên họ đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ này.
Anh Quang Khánh cho biết: Họ từng chia sẻ khi đã đưa bệnh nhân lên máy bay, dù đối mặt với nguy hiểm nhưng họ vẫn “không sợ chết”. Đối chiếu với kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng như đời sống thường ngày của họ, tôi nhận “không sợ chết” ở đây không phải là một thái độ bất cần hay ngông nghênh, mà là một phát ngôn được đưa ra từ những tấm lòng yêu cuộc sống đến vô ngần. Vì yêu cuộc sống và được cuộc sống trao cho thiên chức chữa bệnh cứu người, nên họ mới làm nhiệm vụ với một thái độ tích cực và dũng cảm như thế. Đó cũng là cảm hứng để tôi thực hiện sản phẩm “Ốc đảo hòa bình” của mình.
Không phải là những phóng sự điều tra gai góc, “Ốc đảo hòa bình” nói về sự tích cực, lòng tốt và sự tử tế có sức mạnh rất to lớn. Sự tử tế nó có thể thay đổi không chỉ tình trạng sức khoẻ mà còn là thái độ sống của chàng trai trẻ Toungod Bayak người Nam Sudan. Có thể giúp những sinh mạng quý giá được chào đời trong hiểm cảnh; và giúp Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam vững vàng để vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù còn bao thách thức. Dù lòng tốt, sự tích cực có sức mạnh to lớn như thế, nhưng nó lại được trao chuyền và cảm nhận một cách rất dễ dàng, từ những hành động tưởng chừng nhỏ nhất.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, nhà báo Quang Khánh cho biết: Là một phóng viên trẻ và còn rất nhiều điều phải học hỏi về lĩnh vực truyền hình, tôi cho rằng để có một tác phẩm truyền hình tốt là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là hình ảnh và âm nhạc ấn tượng, cách dựng hợp thị hiếu của khán giả, câu chuyện hay, giàu chi tiết… Nếu một yếu tố nào trong đó không được bảo đảm thì tác phẩm truyền hình sẽ không thể hấp dẫn được.
“Tuy nhiên để có được một sản phẩm hội tụ đủ những yếu tố đó thì người phóng viên truyền hình đương nhiên phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt, thẩm mỹ tốt, nhạy cảm với cuộc sống, nỗ lực trong lao động báo chí và một yếu tố rất quan trọng là may mắn” – phóng viên Quang Khánh chia sẻ thêm.
Lê Tâm