Có nhiều câu hỏi đặt ra khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định gia nhập BRICS, đặc biệt liên quan đến sự “lựa chọn Đông-Tây” của quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng này. Tuy nhiên, rõ ràng, Ankara vẫn đã và đang tìm kiếm sự cân bằng trong chính sách, vì chính lợi ích của đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS ngày 3/9. (Nguồn: Getty Image) |
Nỗi thất vọng chất chồng
Trang The Strategist (Australia) ngày 23/9 đăng bài viết của tác giả William Gourlay, giảng viên chính trị Trung Đông tại Đại học Monash (Australia) phân tích các động thái cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang xác định vị thế để gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Đầu tháng 9 vừa qua (ngày 3/9), Ankara đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, vài tháng sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS tại Nga (tháng 6).
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Fidan, Tổng thống Nga Vladamir Putin đã hoan nghênh sự tham gia ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nhóm BRICS.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ (SETA) hôm 20/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh: “Nếu bạn gia nhập một hiệp hội mới, bạn sẽ rời khỏi một hiệp hội khác. Đây là những khái niệm được hình thành theo lịch sử từ Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS là vì lợi ích của đất nước và người dân. Chúng tôi đã hợp tác và tiến hành các cuộc thảo luận cấp cao với nhiều tổ chức và hiệp hội khác nhau, như BRICS, ASEAN…”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng không nên áp đặt quan điểm thân phương Tây hoặc phương Đông từ ý định gia nhập BRICS của Ankara. |
Chuyên gia William Gourlay cho rằng việc chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia có 85 triệu dân và là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới – sẽ tăng thêm sức nặng địa chính trị cho BRICS, khối được coi là đối trọng với G7.
Theo ông William Gourlay, những động thái trên diễn ra vào thời điểm lòng tin chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang dao động.
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã xuống mức thấp nhất.
Năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa sẽ “chia tay” EU (dù chưa thể đặt chân vào liên minh này) và bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên thường trực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo chuyên gia William Gourlay những lời đề nghị gần đây của Ankara đối với BRICS cho thấy chủ nghĩa thực dụng. Khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tự tin hơn trên trường quốc tế.
Hiện tại, nước này ít phải lo lắng hơn về việc theo đuổi chính sách đối ngoại không tuân theo đường lối của các đối tác phương Tây. Trong khi đó, Ankara ngày càng thất vọng vì thiếu tiến triển trong việc gia nhập EU. Các cuộc đàm phán gia nhập bắt đầu vào năm 2005 nhưng đã trì trệ trong một thời gian.
Có mất đi đòn bẩy chiến lược?
Chuyên gia William Gourlay cho rằng, những lo ngại của châu Âu về việc cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU không phải là không có cơ sở.
Một báo cáo của Nghị viện châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ được công bố vào năm 2023 đã nêu ra một danh sách dài các mối quan ngại, bao gồm các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, phe đối lập và người Kurd; quyền của phụ nữ suy giảm; thiếu sự độc lập của tư pháp và việc Ankara từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Trong khi đó, BRICS mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một giải pháp thay thế về chính trị-kinh tế thay cho EU.
Chuyên gia William Gourlay nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS sẽ phải đối mặt với các điều kiện ít nghiêm ngặt hơn.
Thêm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ từng nhấn mạnh thương mại với Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, đến mức siêu cường này hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara hy vọng sẽ mở rộng xuất khẩu nông sản sang Bắc Kinh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, kết nối nước này với một số quốc gia Trung Á. Do đó, theo chuyên gia William Gourlay, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm tư cách thành viên của BRICS và các nhà hoạch định của Ankara coi trọng BRICS là điều dễ hiểu.
Liệu rằng khi trọng tâm địa chính trị toàn cầu chuyển từ Tây bán cầu sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất đi đòn bẩy chiến lược – vị thế thường được ca ngợi là cầu nối giữa Đông và Tây? Chuyên gia William Gourlay khẳng định việc gia nhập BRICS sẽ mang lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ, đưa nước này vào một khối mới nổi bao trùm các khu vực và kết nối các nền kinh tế đang phát triển.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của BRICS có thể mang lại cơ hội tái khẳng định vai trò là cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP) |
Có thể “cân bằng”
Tất nhiên, theo chuyên gia Australia, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS không phải là điều hiển nhiên bởi tất cả các thành viên hiện tại của BRICS sẽ phải chấp thuận đơn xin gia nhập của Ankara.
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS, theo chuyên gia William Gourlay, điều này cũng không nên được coi là sự phủ nhận phương Tây.
Tổng thống Erdogan gần đây đã nhận xét rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị buộc phải lựa chọn giữa châu Âu hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), mà nước này có thể duy trì quan hệ và hợp tác với cả hai.
Ở đây, chuyên gia William Gourlay đưa ra một phép so sánh với Ấn Độ, quốc gia là thành viên sáng lập BRICS và là thành viên chính thức của SCO, nhưng cũng là thành viên của nhóm Bộ tứ (gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Australia).
Chuyên gia William Gourlay kết luận các nhà hoạch định chính sách phương Tây không nên coi khuynh hướng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ là một “trò chơi có tổng bằng 0” (nếu một trong hai bên thu được lợi ích thì bên còn lại sẽ thiệt hại tương đương).
Việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của BRICS có thể mang lại cơ hội tái khẳng định vai trò là cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ, không những giữa các châu lục mà còn là cầu nối giữa các khối địa chính trị.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ rất tự chủ và có đường lối rõ ràng Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải từng nhận định: Đến nay, các chuyên gia đều đánh gia Thổ Nhĩ Kỳ trước hết là cường quốc ở khu vực và tham vọng không chỉ dừng lại ở khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng khi Mỹ và phương Tây tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga về vấn đề Crime hay Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ đều phản kháng chính đồng minh của mình trong NATO. Nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất muốn xích lại gần với Nga, nhưng trên thực tế thì họ ủng hộ Ukraine dưới góc độ bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua các hành động như hỗ trợ một phần về mặt quân sự, sử dụng quyền trong eo biển Bosporus trong thời gian xung đột để hạn chế tàu chiến của Nga đi qua eo biển này. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành chính sách rất tự chủ và họ có cơ sở, nguồn lực để duy trì điều đó. Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ rất tự chủ và có đường lối rõ ràng để thực hiện được chính sách đó. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu rất nhiều sức ép từ những nước không muốn họ tự chủ. Với những nước muốn thi hành chính sách tự chủ thì họ phải trả lời được ít nhất 2 câu hỏi. Thứ nhất là họ có thực sự muốn có chính sách tự chủ không? Thứ hai là nếu tự chủ thì nguồn lực ở đâu để tự chủ? Và tôi tin chắc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời được hai câu hỏi đó. Khi có chuyện bất đồng với các nước EU, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng trục xuất 13 đại sứ EU khỏi đất nước. Điều đó chứng tỏ họ rất kiên quyết và để có sự kiên quyết đó rõ ràng họ phải có sự hậu thuẫn, không phải từ các nước bên ngoài mà chính là sự ủng hộ của người dân trong nước dựa trên nguồn lực có được. Nếu có sự căng thẳng với các nước châu Âu, họ chấp nhận sự thua thiệt nhưng sự thua thiệt đó có thể chấp nhận. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/tho-nhi-ky-trong-su-chon-lua-dong-tay-long-tin-dao-dong-nhung-khong-choi-tro-co-tong-bang-0-muon-gia-nhap-brics-cung-vi-mot-le-287501.html