Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với thu nhập thường xuyên từ tiền lương, tiền công và doanh thu khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm là quá thấp trong bối cảnh hiện tại.
Tới nay, dù rất nhiều đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân được trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh lên cơ quan chức năng, nhưng việc sửa sắc thuế này vẫn… ở thì tương lai.
Lý do là, theo luật định, trường hợp Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả. Do CPI mới tăng 15,06% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, áp dụng kể từ ngày 1/1/2020), tức chưa “chạm trần”, nên mức giảm trừ gia cảnh hiện vẫn giữ nguyên.
Song nếu cứ căn cứ vào CPI để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, thì với tuyệt đại đa số người dân, đó lại là sự khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế.
Bởi đây là chỉ số mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ chung trên thị trường, còn các mặt hàng thiết yếu, chiếm gần hết thu nhập của người dân đã tăng rất cao so với đầu năm 2020. Đơn cử, giá lương thực tăng 33,28%; dịch vụ giáo dục tăng 24,95%; giá điện, nước sinh hoạt tăng 2 lần trong năm 2023 và còn tiếp tục tăng…
Thu nhập danh nghĩa tăng chậm trong khi hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng nhanh, nên thu nhập thực tế của người dân giảm đã tác động tiêu cực tới tiêu dùng trong nước. Thậm chí, tiêu dùng trong nước còn bị giảm nếu không tính tiêu dùng của 4,6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay và hơn 4 triệu người dân được sinh ra kể từ đợt điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất đến nay.
Xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng được coi là 3 động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi xuất khẩu và đầu tư công đã vào guồng từ quý IV/2023 và tăng tốc trong quý I năm nay, thì tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 17%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đóng góp trên 25,2 tỷ USD, tăng hơn 26% – mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, tăng 16.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng 8,2% (loại trừ yếu tố giá tăng trên 5%), bằng phân nửa so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân giai đoạn 2015-2019 (tăng 11,5%/năm).
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa như gia hạn, miễn, giảm hầu hết các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ với mong muốn kích cầu nội địa…, song thị trường trong nước vẫn chưa phục hồi như thời điểm trước đại dịch.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu dùng nội địa chưa cao là do sức mua yếu bởi thu nhập của người dân tăng chậm. Ước tính, thu nhập của người lao động trong quý I vừa qua chỉ tăng khoảng 550.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Khoản thu nhập tăng thêm này không đủ bù đắp chi phí tăng giá điện, nước sạch sinh hoạt, học phí, viện phí…, nên người dân không thể tăng chi tiêu cho các loại hàng hóa, dịch vụ khác và hẳn nhiên, sức mua của thị trường chưa thể phục hồi.
Thực trạng trên cho thấy, cần có thêm các giải pháp mạnh tay nếu muốn tăng tiêu dùng nội địa.
Trong bối cảnh sức mua của thị trường nội địa quá yếu, thì giải pháp trước hết là phải kích cầu tiêu dùng và nâng mức giảm trừ gia cảnh từ tiền lương, tiền công và doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là giải pháp dễ thực hiện nhất. Theo đó, chỉ cần sửa đổi điều khoản duy nhất (khoản b, Điều 19) trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành theo hướng, khi CPI tăng từ 15% trở lên, thì Chính phủ sẽ có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả. Riêng việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể thực hiện theo đúng lộ trình.
Để vừa khoan sức dân, vừa góp phần phát triển thị trường nội địa và để mức giảm trừ gia cảnh không quá lạc hậu so với vật giá, thì Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15-17 triệu đồng/tháng.
Nếu các cơ quan chức năng không hành động kịp thời nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên, thì không ít người dân sẽ ngày càng nghèo đi vì thuế.