Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ
Ông Trần Công Kha – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, mã cổ phiếu GVR) ngày 19/7 cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm thứ tư mà VRG thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021–2025, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021–2025).
Tập đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô dần hồi phục. Giá bán mủ cao su trên đà phục hồi, các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đầu tư dần được khai thông. Nhưng các yếu tố khách quan khác như biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch, tình trạng thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực, giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng… là thách thức chủ yếu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn từ đầu năm đến nay.
6 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất của VRG ước đạt 10.092 tỷ đồng, tăng 5,7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.909 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái; dự kiến nộp ngân sách toàn Tập đoàn là 967 tỷ đồng.
Trong các mảng kinh doanh chính lĩnh vực cao su có kết quả tốt nhất với doanh thu 7.000 tỷ đồng, cao hơn 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán mủ tăng dù sản lượng tiêu thụ đạt 176.721 tấn, giảm 17%. Giá bán mủ cao su bình quân 6 tháng năm 2024 toàn tập đoàn khoảng 39,1 triệu đồng/tấn, cao hơn 6,8 triệu đồng/tấn so với giá bán cùng kỳ năm 2023. Tồn kho của VRG còn 25.717 tấn, cao hơn 43% tấn so với cùng kỳ 2023; trong đó số lượng đã có hợp đồng là 29.104 tấn.
Ở mảng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) chuyển đổi từ đất cao su, trong 6 tháng đầu năm 2024, các dự án đầu tư mở mới, mở rộng đang làm thủ tục triển khai nên chưa có quỹ đất cho thuê mới; cùng với xu hướng thu hẹp sản xuất của nhiều đối tác nên nửa đầu năm 2024 các khu công nghiệp thuộc VRG chỉ cho thuê mới được 17 ha, bằng 6,9% kế hoạch năm. Doanh thu các KCN 6 tháng năm 2024 đạt khoảng 699 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 414 tỷ đồng.
Về đầu tư phát triển, năm 2024, Tập đoàn chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm – dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi với tổng diện tích 2.809 ha tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Gia Lai; tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai, hoạt động (dự án cao su, dự án chế biến gỗ, khu công nghiệp…).
Tổng số lao động của các đơn vị thành viên của VRG tính đến ngày 30/6 là 81.238 người. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm của các đơn vị thành viên Tập đoàn là 6,79 triệu đồng/người/tháng, tương đương thu nhập cùng kỳ năm 2023. Thu nhập các tháng cuối năm của người lao động sẽ tăng cao do năng suất và sản lượng khai thác tăng.
VRG sẽ phát triển thêm 10.000 ha bất động sản công nghiệp
Ngay từ đầu năm, VRG đã xây dựng, ban hành “Kế hoạch hoạt động Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024” trên cơ sở “Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững của Tập đoàn giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Tính đến hết tháng 6, Tập đoàn đã có 33 công ty thành viên xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững đạt 284.354 ha; 18 công ty thành viên được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 118.337 ha và có 38 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đạt PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm). Triển khai thực hiện chứng nhận Doanh nghiệp bền vững năm 2024 đối với 23 công thành viên Tập đoàn ở các lĩnh vực cao su, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, chế biến gỗ, kinh doanh khu công nghiệp và thủy điện.
6 tháng cuối năm 2024, VRG phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có và chủ động đề ra các giải pháp thích ứng, phù hợp để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Tiếp tục phát triển Tập đoàn trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế – Môi trường – Xã hội; thực hiện tốt chương trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Định hướng trong thời gian tới, VRG tiếp tục triển khai đầu tư KCN Hiệp Thạnh – giai đoạn 1, KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Đến năm 2030, VRG và các công ty thanh viên sẽ đăng ký làm chủ đầu tư các KCN mở rộng và KCN thành lập mới với tổng diện tích là 10.122ha, qua đó nâng tổng diện tích KCN của Tập đoàn lên khoảng 14.248 ha.
Nói về hoạt động tới đây của VRG, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy lưu ý, trong điều kiện giá mủ cao su năm nay thuận lợi hơn so với năm 2023, lãnh đạo VRG cần tập trung chỉ đạo, điều hành toàn Tập đoàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.
Được biết, với những kết quả tích cực đã được, trên sàn chứng khoán mã cổ phiếu GVR có thời điểm đạt 38.500 đồng/cổ phiếu (ngày 15/7), tăng 100% so với đầu năm và cao nhất kể từ khi tập đoàn thực hiện niêm yết trên sàn, đưa vốn hóa VRG vượt 2 tỷ USD.
VRG là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện thành công Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành năm 2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: https://danviet.vn/loi-nhuan-6-thang-cua-tap-doan-nganh-cao-su-dat-toi-1909-ty-dong-gia-co-phieu-len-cao-nhat-20240720221703467.htm