Chiếc ghế rồng quý giá
Trong điện Thái Hòa ở Tử Cấm Thành (nay là bảo tàng Cố Cung) tại Bắc Kinh, Trung Quốc có chiếc ghế nổi tiếng bởi lời đồn quanh nó. Đó chính là chiếc ghế rồng được đặt ở trung tâm điện. Nhìn bên ngoài, chiếc ghế này hoàn toàn bình thường, nó cũng được sơn son thếp vàng như những chiếc ghế rồng khác, bên trên được chạm trổ hình rồng đẹp mắt.
Trên thực tế, chiếc ghế rồng này vốn bị vứt bỏ trong kho vào cuối đời nhà Thanh. Mãi sau đó, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập thì các nhà sử học mới phát hiện ra nó và đem nó đi trùng tu. Được biết, chiếc ghế rồng này được chế tác từ thời nhà Minh, sau đó nó vẫn được tiếp tục sử dụng đến thời nhà Thanh.
Nhiều người cho rằng ghế rồng này được làm từ vàng rồng, nhưng sau khi liên quân 8 nước tiến vào Tử Cấm Thành, họ đã cạo sạch những lớp mạ vàng trên ghế rồng. Lúc này, mọi người mới biết hóa ra chiếc ghế này chỉ được làm từ gỗ mạ vàng.
Tuy nhiên, loại gỗ dùng để làm ra chiếc ghế rồng này vô cùng giá trị.
Theo các nhà khoa học, chỉ 3 loại gỗ mới được dùng làm ghế rồng, giá của chúng cũng đắt hơn vàng rất nhiều.
Thứ nhất, đó là gỗ bạch dương. Từ thời xưa, bạch dương vẫn được coi là loại cây có năng suất thấp, giá thành lại cao. Những cây bạch dương được chọn làm ghế rồng thường là loại rất lâu năm và quý hiếm.
Thứ hai là gỗ cẩm lai. Loại gỗ này ở thời phong kiến chỉ có hoàng tộc mới được dùng. Gỗ cẩm lai mùi thơm thoang thoảng, gỗ rất cứng nên ở thời đó nó rất được ưa chuộng.
Thứ ba là gỗ nam mộc. Đây là loại gỗ còn đắt hơn cả vàng. Trong hoàng tộc, chỉ những món đồ quý giá mới được làm từ loại gỗ này.
Lời đồn đáng sợ về chiếc ghế rồng
Mặc dù quý giá như vậy nhưng chiếc ghế rồng này đã có nhiều chuyện kỳ quái xảy ra xung quanh nó. Thậm chí, Từ Hi thái hậu, một người phụ nữ nổi tiếng quyền lực cũng không dám ngồi trên chiếc ghế rồng này. Theo các cuốn dã sử chép lại, có 3 nhân vật sau khi ngồi lên chiếc ghế rồng này đã chết rất kỳ lạ.
Người đầu tiên chính là Lý Tự Thành. Ông chính là người đã lật đổ nhà Minh để chiếm ngôi. Tuy nhiên, ông mới ngồi lên ghế rồng này chưa đầy 40 ngày đã bị Ngô Tam Quế cướp ngôi và truy sát. Sau đó Lý Tự Thành chết đầy bí hiểm.
Người thứ hai chính là Viên Thế Khải. Ông ta tuy không phải hoàng đế nhưng cũng là người uy hiếp và đuổi hoàng đế nhà Thanh ra khỏi cung. Sau đó, Viên Thế Khải đã trùng tu lại Tử Cấm Thành. Chuyện kỳ lạ là, Viên Thế Khải giữ lại chiếc ghế rồng này nhưng đem cất vào kho rồi yêu cầu làm một chiếc ghế khác theo phong cách phương Tây.
Ông ta không muốn mình bị coi là hoàng đế của chế độ cũ nên đã làm vậy. Thế nhưng, có lời đồn là Viên Thế Khải từng ngồi lên chiếc ghế rồng này và chết bí ẩn sau đó 83 ngày.
Người thứ ba là thủ lĩnh liên quân 8 nước – Waldersee. Một thời gian không lâu sau khi ông ngồi thử lên ngai vàng, Waldersee cũng chết một cách kỳ lạ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây chỉ là lời đồn đại xoay quanh chiếc ghế rồng này mà thôi. Hơn nữa, khi liên quân 8 nước vào chiếm Tử Cấm Thành, rất nhiều người đã thay phiên nhau ngồi lên chiếc ghế rồng này chụp ảnh. Do đó, nếu nói chiếc ghế rồng này có khả năng nguyền rủa người ngồi lên nó là không đúng.
Quốc Thái(Nguồn: Sohu)