Ngành logistics Việt Nam là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng 14-16%/năm trong những năm gần đây. Dù vậy, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề.
Ngành logistics Việt Nam là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng 14-16%/năm trong những năm gần đây. Dù vậy, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề.
Ông Thomas Zagler, Đối tác tại Việt Nam của Công ty Asian Insiders |
Thị trường logistics đầy triển vọng
Các chuyên gia dự đoán, ngành logistics có thể chiếm tới 20% GDP của Việt Nam vào năm 2050, trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư quốc tế. Nhiều xu hướng đang thúc đẩy sự phát triển này và việc hiểu rõ các động lực đó là điều cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn khai thác thị trường logistics đầy triển vọng của Việt Nam.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường logistics tại Việt Nam được định giá khoảng 45,2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên hơn 65 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Sự tăng trưởng nhanh chóng trên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp đang tìm cách đầu tư vào châu Á.
Thương mại điện tử đã trở thành động lực chính cho sự bùng nổ logistics. Năm nền tảng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop có tổng doanh thu 2,79 tỷ USD trong quý I/2024, tăng lên 3,3 tỷ USD trong quý II/2024.
Ước tính, có hơn 750 triệu sản phẩm được mua qua các nền tảng thương mại điện tử trong 3 tháng đầu năm 2024. Sự gia tăng mua sắm trực tuyến đã tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ logistics, từ lưu trữ, quản lý, đến vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Điều đáng chú ý là, sự phát triển của thương mại điện tử không còn giới hạn ở các thành phố lớn, mà các khu vực nông thôn cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong mua sắm trực tuyến. Dự kiến đến năm 2026, Việt Nam sẽ có 67 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, càng làm tăng nhu cầu về dịch vụ logistics trên toàn quốc. Với sự thay đổi này, các nhà bán lẻ trực tuyến ngày càng hướng đến khách hàng ở vùng nông thôn, biến logistics trở thành yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều lợi thế chiến lược khiến Việt Nam trở thành trung tâm logistics hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên, vị trí của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho phép các doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường khu vực rộng lớn. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Trong đó, Việt Nam là một trong hai quốc gia ASEAN có FTA với Liên minh châu Âu, mang đến cơ hội đặc biệt cho các doanh nghiệp.
Hơn nữa, Việt Nam có chi phí hoạt động của doanh nghiệp tương đối thấp. Theo Công ty tư vấn TMX, Việt Nam có chi phí vận hành kho bãi thấp thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, điều này hấp dẫn các công ty nước ngoài muốn mở rộng hoạt động logistics tại thị trường Việt Nam.
Ngành logistics của Việt Nam dự báo có thể chiếm tới 20% GDP vào năm 2050 |
Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào logistics
Kho bãi là phân khúc trọng điểm, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics Việt Nam. Nghiên cứu của FiinGroup cho thấy, các nhà phát triển quốc tế hiện kiểm soát gần 3/4 diện tích kho bãi cho thuê của Việt Nam. Các tên tuổi lớn bao gồm Mapletree của Singapore, BW Industrial được hậu thuẫn bởi Warburg Pincus, và SEA Logistics Partners của GLP Capital. Các công ty này đã vận dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và kho bãi quốc tế để phát triển hệ thống của họ tại thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lưu trữ ngày càng tăng.
Lĩnh vực kho bãi ban đầu thường ít cạnh tranh do yêu cầu vốn đầu tư cao. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phát triển nước ngoài tham gia thị trường do nhận thấy nhu cầu tăng về không gian kho bãi từ các công ty thương mại điện tử, nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ logistics thuê ngoài.
Bên cạnh kho bãi, các dịch vụ logistics thuê ngoài cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hai loại hình doanh nghiệp đặc biệt được ưa chuộng là logistics bên thứ ba (3PL) và logistics bên thứ tư (4PL).
Công ty 3PL đảm nhiệm một hoặc nhiều nhiệm vụ cụ thể trong quy trình chuỗi cung ứng, chẳng hạn vận chuyển hoặc lưu trữ. Trong khi đó, công ty 4PL lại quản lý toàn bộ hoạt động logistics cho khách hàng của mình. Mặc dù dịch vụ 3PL rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang các nhà cung cấp 4PL để có giải pháp logistics toàn diện và hiệu quả hơn.
Cơ hội đầu tư trong logistics chuỗi lạnh
Một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là phát triển chuỗi cung ứng lạnh, là yếu tố quan trọng để xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam như trái cây, rau củ, thủy sản và dược phẩm. Mặc dù Việt Nam xuất khẩu nông sản khá nhiều, nhưng logistics chuỗi cung ứng lạnh vẫn chưa phát triển, do đó, tiềm năng đầu tư ở lĩnh vực này đang rất rộng mở.
Hiện nay, nhu cầu về các cơ sở lưu trữ lạnh và dịch vụ vận chuyển lạnh đang rất cấp thiết. Logistics chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam còn gặp ít sự cạnh tranh, tuy nhiên cũng đầy thách thức. Việc xây dựng kho lưu trữ lạnh đòi hỏi chi phí cao hơn nhiều so với hệ thống kho truyền thống. Chi phí xây dựng các kho lạnh có thể gấp ba lần, ngoài ra các cơ sở này có tuổi thọ ngắn hơn và phức tạp hơn trong vận hành, điều này khiến một số nhà đầu tư e ngại. Song, tiềm năng đạt được lợi nhuận cao trong lĩnh vực này vẫn khiến nó trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các công ty sẵn sàng đầu tư.
Tăng cường sức hút của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài
Sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics có thể được cải thiện hơn nữa nếu tập trung vào một số lĩnh vực chính. Trước hết, việc cải thiện hạ tầng của đất nước là rất quan trọng. Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng các tuyến đường cao tốc và nâng cấp cảng biển, nhưng vẫn cần tiếp tục phát triển để đảm bảo khả năng kết nối thông suốt trên toàn quốc.
Các báo cáo về tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng và sân bay cho thấy, hạ tầng của Việt Nam cần được phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu logistics ngày càng tăng. Việc đảm bảo lưu thông hàng hóa tự do trên tất cả các khu vực của đất nước sẽ đặc biệt quan trọng khi thương mại điện tử tiếp tục mở rộng từ các thành phố lớn ra các khu vực nông thôn.
Nhận thức được tầm quan trọng của logistics, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng. Nghị quyết số 163/2022/NQ-CP về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan giảm chi phí và loại bỏ những trở ngại trong vận chuyển xuyên biên giới. Bộ Giao thông – Vận tải đang nỗ lực cải thiện các liên kết đa phương thức, bao gồm hệ thống đường sắt và đường bộ, vốn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành vận tải Việt Nam.
Loại bỏ các rào cản pháp lý, hướng đến logistics bền vững
Việc giảm bớt các rào cản pháp lý cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn để đơn giản hóa các thủ tục và quy định cho các công ty logistics.
Bên cạnh đó, tính bền vững và xây dựng các dự án logistics xanh đang trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty quốc tế đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và họ đang tìm kiếm những quốc gia như Việt Nam để cung cấp giải pháp. Nhu cầu về nhà kho được trang bị nguồn năng lượng tái tạo và hạ tầng cho xe điện dự kiến tăng cao trong những năm tới.
Cuối cùng, ngành logistics của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng, đặc biệt là các vị trí nhân sự cấp cao.
Triển vọng
Trong những năm tới, kho bãi sẽ tiếp tục là lĩnh vực trọng điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với nhu cầu về không gian dự kiến tăng đáng kể. Thương mại điện tử có thể tăng trưởng tới 30% mỗi năm cho đến cuối thập kỷ này, làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống kho bãi cũng tiềm ẩn rủi ro về tình trạng cung vượt cầu, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá thuê. Mặc dù hiện tại điều này chưa phải là mối quan ngại, nhưng các doanh nghiệp trong ngành nên theo dõi sát tình hình để tránh mất cân đối thị trường.
Ngoài kho bãi, các lĩnh vực chuyên môn khác như logistics chuỗi lạnh cũng mở ra tiềm năng chưa được khai thác cho các nhà đầu tư. Các công ty có kinh nghiệm trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng và công nghệ nâng cao hiệu suất sẽ được trông chờ trong những năm tới.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tránh khỏi những phân khúc mà mức độ cạnh tranh đang rất cao như giao hàng chặng cuối (last-mile delivery), nơi mà lợi nhuận giảm sút khiến một số công ty chùn bước. Mặc dù một vài công ty nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực này, nhưng nhiều người vẫn chọn cách tiếp cận “chờ và xem”, đặt cược vào thành công dài hạn dù gặp nhiều thách thức ngắn hạn.
Ngành logistics của Việt Nam có tiềm năng lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để khai thác được các cơ hội này, cần vượt qua một số thách thức. Phát triển hạ tầng, cải thiện quy định và tập trung vào tính bền vững sẽ là yếu tố then chốt để thu hút thêm đầu tư trong những năm tới. Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, thị trường logistics Việt Nam có thể tăng trưởng lớn và lợi nhuận đáng kể trong tương lai.
Nguồn: https://baodautu.vn/logistics-viet-nam-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-d228688.html