Kinh doanh trồi sụt, có quý lỗ hàng trăm tỷ đồng
Được đánh giá là một đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, CTCP Tập đoàn Lộc Trời lại đang đứng trước nhiều khó khăn với những kỳ kinh doanh thua lỗ.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trong 5 quý kinh doanh thì Lộc Trời báo lỗ tới 3 quý. Đỉnh điểm tại Quý 3/2023, Lộc Trời báo lỗ tới 327 tỷ đồng. Đây là số lỗ cao kỷ lục chưa từng có của Lộc Trời kể từ khi lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Những khoản lỗ lớn tại Quý 1 và Quý 3 đã gần như thổi bay toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời. Kết quả năm 2023 LTG chỉ báo lãi 16 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022.
Bước sang năm 2024, tại Quý 1 Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 132 tỷ đồng. Kết quả, LTG vẫn lỗ sau thuế 95 tỷ đồng, cao hơn khoản lỗ cùng kỳ tới 14 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính gây thua lỗ cho Lộc Trời đến từ chi phí tài chính, tăng từ 147 tỷ lên 188 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay chiếm tới 127 tỷ đồng và có xu hướng ngày càng tăng. Cộng thêm chi phí nguyên liệu đầu vào, lỗ do tỉ giá hối đoái đã khiến LTG phải báo lỗ trong Quý 1/2024.
Lộc Trời và lùm xùm nợ tiền lúa của người nông dân
Trước đó, Lộc Trời cũng đang vướng vào lùm xùm nợ tiền lúa của người nông dân lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, chỉ tính riêng vụ đông xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời đã nợ tiền mua lúa của 900 hộ nông dân. Tổng tiền lúa mà Lộc Trời nợ lên tới 245 tỷ đồng.
Nhìn vào BCTC Quý 1/2024 của Tập đoàn Lộc Trời, không quá khó hiểu khi đơn vị này gặp phải khó khăn về dòng tiền ít nhất là trong ngắn hạn.
Tính đến hết Quý 1/2024, tổng tài sản công ty lên tới 11.913 tỷ đồng nhưng lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 106 tỷ đồng. Sự mất cân đối về lượng tiền mặt trong tài sản đã gây nên khó khăn không ít cho Lộc Trời trong chi trả các chi phí hoạt động, chi phí lãi vay…
Trong khi đó công ty ghi nhận tới 6.622 tỷ đồng là khoản phải thu, với 6.472 tỷ đồng là khoản phải thu từ khách hàng. Đây là các khoản tiền mà Lộc Trời mới ghi nhận trên giấy chứ chưa thực sự thu được tiền từ khách. Thậm chí LTG còn đang phải ghi nhận 490 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Về cơ cấu nguồn vốn, Lộc Trời hiện đang ghi nhận nợ phải trả chiếm 8.939 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng tới 75% tài sản là nợ. Lượng nợ vay ngắn hạn cũng đang chiếm 6.246 tỷ đồng, cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu cũng đang cho thấy rủi ro tiềm ẩn.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Lộc Trời cũng cho thấy đơn vị thường xuyên thu không đủ bù chi. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 434 tỷ đồng trong Quý 1, cùng kỳ năm ngoái thậm chí còn âm tới 2.710 tỷ đồng. Thâm hụt dòng tiền khiến Lộc Trời phải tăng cường vay nợ để bù đắp lượng tiền mặt thiếu hụt, chi phí lãi vay cũng từ đó tiếp tục gia tăng và càng gây áp lực lên kết quả kinh doanh.
Nhân tố mới trong HĐQT liệu có làm nên chuyện?
Trước những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029 của Lộc Trời đã được bầu ra với nhiều gương mặt mới.
HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: Huỳnh Văn Thòn (tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT), ông Johan Sven Richard Boden, ông Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang.
Trong đó, bà Vũ Hồng Trang đang là Phó giám đốc Affirma Capital (Singapore); ông Mandrawa Winston Leo là Giám đốc điều hành Affirma Capital Managers (Singapore); và ông Johan Sven Richard Boden hiện đang là Tổng giám đốc của DenEast Vietnam Limited.
Thành viên ban kiểm soát bao gồm: bà Nguyễn Thị Thúy; ông Tiêu Phước Thạnh và ông Uday Krishna. Trong đó ông Uday Krishna, quốc tịch Ấn Độ cũng đang là giám đốc điều hành của của Affirma Capital (Singapore); và bà Nguyễn Thị Thuý hiện đang là Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Holborn Capital.
Hoàng Anh Sơn Dương
Nguồn: https://www.congluan.vn/loc-troi-ltg-kinh-doanh-thua-lo-no-tien-nguoi-nong-dan-hdqt-bong-xuat-hien-nhieu-nhan-to-moi-post301421.html