Chính sách từ đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao được cho là “lý tưởng”, nhưng doanh nghiệp cho biết gần như chưa được áp dụng, người tham gia làm đề án “chưa được hưởng gì” và chủ tịch tỉnh nên làm “tư lệnh” thực hiện đề án này.
Ngày 19-12, tại TP Cần Thơ, báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net zero năm 2050”.
Tại đây, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, đã có những góp ý, đề xuất về việc thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Thòn chia sẻ các chính sách được xây dựng để thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao là “lý tưởng”, nhưng gần như chưa được áp dụng và những người tham gia gần như chưa được hưởng gì.
Ông Thòn dẫn chứng khi thấy có đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, tập đoàn rất mừng nhưng giờ đây thì “xẹp dần” vì đề án này thiếu sự điều hành đồng bộ, thiếu chính sách, thiếu sự hỗ trợ mà ông ví như “hệ sinh thái mà bời rời như cơm nguội, không kết với nhau”.
“Tôi có hai đề nghị. Thứ nhất là chia ra việc để mỗi bên làm gồm có doanh nghiệp, người nông dân, các nhà hoạch định chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhà nước.
Thứ hai là trong vấn đề chính sách, nông dân chỉ cần vay vốn lãi suất 4,5-5%, tiếp đến là cần tiếp cận nhanh, dễ. Đơn giản người nông dân cần bao nhiêu là đủ”, ông nói.
Theo ông Thòn, đề án 1 triệu héc ta là một hệ sinh thái mà nhà nước đóng vai trò kết nối, vì vậy ở mỗi tỉnh nếu chủ tịch UBND tỉnh làm “tư lệnh” thì điều hành sẽ rất tốt.
Ông Lê Văn Hẳn, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, vừa qua mô hình thí điểm của tỉnh thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại hai hợp tác xã Phước Hảo và Phát Tài, cho thấy giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 3,5 – 4 triệu đồng/ha; tăng năng suất khoảng 5-6%; tăng lợi nhuận 20 – 25%; giảm lượng khí thải từ 30-40% so với ngoài mô hình thí điểm.
Tuy nhiên ông Hẳn cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế. Nhiều mô hình chỉ ứng dụng ở một số công đoạn, nên chuỗi sản xuất chưa đồng bộ, vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và giá cả sản phẩm nông nghiệp biến động, dẫn đến nông dân có tâm lý e ngại, khó nhân rộng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-chu-tich-tinh-lam-tu-lenh-thuc-hien-de-an-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-20241219140713031.htm