Lộc Trời Group (LTG) Lợi nhuận Quý 2 hồi phục nhờ lãi tại công ty liên kết
Sau một năm 2022 đáng quên, kết quả kinh doanh Quý 2 của Lộc Trời Group đã có sự chuyển biến tương đối tích cực. Cụ thể doanh thu Quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán không tăng mà lại được tiết giảm khiến lợi nhuận gộp tăng lên 526,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ cũng gia tăng gấp gần 10 lần, lên 49,4 tỷ đồng nhờ lãi chênh lệch tỷ giá cùng lãi tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty cũng tăng lên gấp đôi, từ 114,6 tỷ lên 231,4 tỷ đồng. Chi phí lãi vay thậm chí còn gia tăng gấp 3 lần, từ 53,9 tỷ lên 168,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lãi tới hơn 326,9 tỷ đồng tại công ty liên kết trong Quý 2. Đây là động lực lớn giúp lợi nhuận của LTG bứt phá trong kỳ.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng được tiết giảm từ 237,2 tỷ xuống chỉ còn 135,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại tăng từ 85,6 lên 128,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí này, Lộc Trời Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 424,7 tỷ đồng, hồi phục mạnh mẽ so với khoản lỗ 44,3 tỷ cùng kỳ và khoản lỗ 81,2 tỷ đồng trong Quý 1 vừa qua.
Báo lãi lớn nhưng chưa thu được tiền, tài sản “trên giấy” của Lộc Trời đội lên hơn 2.746,6 tỷ đồng
Nếu chỉ nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh, nhà đầu tư sẽ thấy một bức tranh tươi sáng về kết quả mà LTG đạt được trong Quý 2. Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản của công ty lại bộc lộ một số điểm bất thường.
Đầu tiên là tỷ trọng về tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa, từ 799,5 tỷ xuống chỉ còn 440,4 tỷ đồng. Trong khi tiền gửi ngân hàng cũng giảm nhẹ từ 130,9 tỷ xuống còn 112,7 tỷ đồng. Điều này cho thấy tính linh động trong tài sản mà LTG nắm giữ đang bị ảnh hưởng lớn.
Tiếp theo, phải thu ngắn hạn của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng gấp 2,34 lần so với đầu năm, từ 2.310,2 tỷ lên tới 5.420,7 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa trong 6 tháng đầu năm, có tới 3.110,5 tỷ đồng doanh thu của Lộc Trời chỉ báo trên giấy chứ chưa thu được tiền về công ty, chưa kể tới lượng phải thu ghi nhận từ năm trước.
Lượng tài sản phải thu ngắn hạn hiện đang chiếm tới 48% tổng tài sản của Tập đoàn Lộc Trời. Thêm vào đó, hàng tồn kho của công ty cũng đang tăng từ 2.112,8 tỷ lên 2.714,7 tỷ đồng. Và tổng lượng tài sản phải thu tại Quý 2 đã tăng thêm 2.746,6 tỷ đồng.
Nợ vay ngắn hạn tăng 3.122 tỷ chỉ trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh vẫn âm 3.310,8 tỷ dù đang báo lãi
Trong cơ cấu nguồn vốn của Lộc Trời, công ty đang cho thấy tình trạng vay nợ gia tăng. Chỉ số nợ vay ngắn hạn của LTG tăng gần gấp đôi, từ 3.747,8 tỷ lên 6.869,8 tỷ đồng. Trong khi nợ vay dài hạn giảm rất ít, từ 99,4 tỷ xuống còn 79,7 tỷ đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình trạng chi phí lãi vay gia tăng gấp 3 lần đang đè nặng lên doanh thu của Lộc Trời đã nêu phía trên.
Tổng nợ phải trả của Lộc Trời là 8.791,6 tỷ đồng, tăng hơn 3.212 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó vốn chủ sở hữu của Lộc Trời lại đang chỉ ở mức 3.391,9 tỷ đồng. Nợ phải trả hiện chiếm tỷ trọng 72,2% tổng tài sản công ty. Nói cách khác, hiện tại tài sản của Lộc Trời phần lớn là nợ.
Một điểm cần phải lưu ý đó là dù Lộc Trời đang báo lãi Quý 2 nhưng dòng tiền kinh doanh của đơn vị trong 6 tháng đầu năm vẫn đang âm tới 3.310,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi biến động các khoản phải thu lên tới 2.818,5 tỷ đồng. Điều này đã được cảnh báo trong phần trên về lượng tài sản phải thu “trên giấy” đang phình to quá mức của Lộc Trời.