Thống kê của Người Đưa Tin theo báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng cho thấy, lãi từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng bắt đầu tăng trưởng chậm lại, giảm 5,35% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có đơn vị còn không ghi nhận đồng lãi nào từ mảng sinh lời cao này.
Cụ thể, tính đến 31/3/2023, có đến 11 ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm so với quý I/2022.
Trong đó, SeABank là cái tên ghi nhận lãi từ dịch vụ lao dốc mạnh, đến gần 57%, đạt 119 tỷ đồng, chủ yếu do thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm và dịch vụ khác giảm lần lượt 55% và 68%.
Tiếp đến là Sacombank với mức giảm mạnh hơn 50% ở chỉ tiêu này, chủ yếu do thu nhập từ dịch vụ giảm hơn 581,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí lại tăng lên.
Từng là “quán quân” về lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý I/2022, song kỳ này, “ông lớn” Vietcombank lại lui về vị trí thứ 5 toàn hệ thống, chỉ thu được 1.456 tỷ đồng, lao dốc đến 46%. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập dịch vụ giảm gần 830 tỷ đồng, cộng thêm chi phí lại tăng lên khoảng 425 tỷ đồng.
Tại MB, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 38%, ghi nhận 690 tỷ đồng, do hụt thu từ hầu hết các dịch vụ trừ hoạt động thanh toán và ngân quỹ.
Theo đó, thu từ hoạt động xử lý nợ thẩm định giá và khai thác tài sản giảm mạnh nhất với 85%, tiếp đến là nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm đứng thứ hai với mức giảm 66%.
Thu từ dịch vụ môi giới chứng khoán, dịch vụ tư vấn, các dịch vụ khác và dịch vụ đại lý nhận ủy thác cũng lần lượt giảm 63%, 98%, 11%, 66%.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng tư nhân lớn khác như ACB, MSB cũng ghi nhận giảm mạnh, lần lượt giảm 15%, 20%
Xu hướng ngược lại xảy ra tại các nhà băng có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, cái tên ghi nhận mức độ tăng trưởng mạnh nhất hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 thuộc về ABBank, với mức tăng 111%, đạt 134 tỷ đồng. Tiếp sau đó là Nam A Bank với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 3 là Bac A Bank cùng mức tăng 85%, lãi hơn 30,5 tỷ đồng. Trong cơ cấu, hầu hết các hoạt động dịch vụ của ngân hàng đều tăng trưởng, trong đó tăng mạnh nhất là nghiệp vụ ủy thác và đại lý, tăng đến 166%.
Theo sau là KienLongBank khi ghi nhận tăng trưởng 73% ở chỉ tiêu này, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ dịch vụ thanh toán khi thu về gần 110 tỷ đồng, gần gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước.
Xếp sau về tốc độ tăng trưởng lãi từ hoạt động dịch vụ là “ông lớn” VietinBank với mức tăng 57%.
Các ngân hàng tư nhân quy mô lớn khác như Eximbank tăng 48%, SHB tăng 41%, TPBank tăng 36%, VPBank tăng 34%.
Xét về tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, VietinBank đã soán ngôi “quán quân” của Vietcombank vào năm ngoái khi mang về hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi từ chỉ tiêu này.
Đứng thứ hai là Techcombank với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.944 tỷ đồng. Tiếp đến là VPBank đem về 1.668 tỷ đồng lãi thuần.
2 ngân hàng trong nhóm Big 4 là BIDV và Vietcombank theo sau khi lần lượt ghi nhận 1.517 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng.
Tiếp đến là các ngân hàng cũng ghi nhận lãi hoạt động dịch vụ trên 600 tỷ đồng, gồm TPBank, MB, HDBank, Sacombank, ACB, VIB.
Trong hệ thống, NCB là ngân hàng duy nhất ghi nhận mảng hoạt động dịch vụ lỗ 400 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 85 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng này lỗ 360 triệu từ việc thực hiện các nghiệp vụ thanh toán, ngân quỹ và một số hoạt động khác. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chi phí (24,3 tỷ đồng) lớn hơn thu nhập (23,9 tỷ đồng), khi khai thác các dịch vụ.
Lãi từ hoạt động dịch vụ từng là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng vào những kỳ trước. Phần lớn các đơn vị đều chọn phát triển các dịch vụ truyền thống như hoạt động thanh toán ngân quỹ.
Tuy nhiên, sự sụt giảm thu nhập ở các nghiệp bán chéo (như bảo hiểm) và chi phí các hoạt động dịch vụ tăng lên lại là nguyên nhân chính thu hẹp tăng trưởng lãi từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng.