Áp lực đang gia tăng buộc Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine khi các quan chức và lãnh đạo cấp cao ở cả đôi bờ Đại Tây Dương đồng loạt lên tiếng cảnh báo rõ ràng rằng Nga sẽ áp đảo Ukraine trừ khi đạn dược bắt đầu sớm được chuyển đến tiền tuyến.
Trong bối cảnh khoản viện trợ quan trọng vẫn “tắc” ở Hạ viện Mỹ và Quân đội Ukraine phải đối diện với tình huống thiếu hụt cả hỏa lực và nhân lực, các nhà lập pháp của quốc gia Đông Âu đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi về huy động quân.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Nga tiến hành một đợt tấn công tên lửa khác vào các cơ sở năng lượng của Ukraine vào cuối ngày 11/4.
“Các cuộc tấn công ở Ukraine trong 24 giờ qua là một lời nhắc nhở khủng khiếp khác rằng nhu cầu của Ukraine là rất quan trọng”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết khi bà kêu gọi Hạ viện Mỹ tổ chức bỏ phiếu về việc có phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ mới hay không.
“Chướng ngại vật trên đường”
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise nói với các phóng viên hôm 11/4 rằng vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được về việc thúc đẩy gói viện trợ cho Ukraine khi các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson và Nhà Trắng tiếp tục diễn ra.
Ông Scalise nói với các phóng viên rằng ông Johnson đang đàm phán một gói khác với gói viện trợ Ukraine trị giá 60 tỷ USD mà Thượng viện đã thông qua vào ngày 13/2 và bao gồm một số yêu cầu của Đảng Cộng hòa, hãng AP đưa tin.
Nhà lập pháp Đảng Cộng hòa không cung cấp thông tin chi tiết về những nhượng bộ mà Đảng Dân chủ tại Hạ viện và Chính quyền Biden sẽ phải thực hiện để gói viện trợ được đưa ra bỏ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở nước láng giềng Canada vẫn tiếp tục bày tỏ tin tưởng rằng cuối cùng Mỹ sẽ dành hỗ trợ cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair gần đây đã gọi tình trạng bế tắc về mặt lập pháp ở Washington DC là “một chướng ngại vật trên đường”.
“Tôi đã làm việc với người Mỹ trong một thời gian rất dài, và tôi đánh giá tính cách của những người mà tôi làm việc cùng là mạnh mẽ và kiên quyết, và họ hoàn toàn cam kết hỗ trợ Ukraine”, ông Blair nói, bổ sung thêm rằng ông không biết ai “cam kết bảo vệ Ukraine” hơn người đồng cấp là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Nhưng ông Austin không phải là người quyết định số phận gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Chỉ có ông Johnson mới có thể đưa dự luật này ra bỏ phiếu, nhưng nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa chưa thể làm vậy khi chính ông vẫn đang mắc kẹt giữa sự chia rẽ ngay trong hàng ngũ của mình.
Người phát ngôn của ông Blair hôm 11/4 xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng Canada chưa có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với ông Johnson hoặc các nhà lãnh đạo khác trong Quốc hội Mỹ về Ukraine. Vị phát ngôn viên nói thêm rằng ông Blair không có kế hoạch tổ chức những cuộc trò chuyện như vậy “vào thời điểm này”.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đã được Global News liên hệ để hỏi liệu bà đã liên hệ với các nhà lập pháp Mỹ để thúc ép thông qua viện trợ hay chưa. Các “đồng minh cứng” khác của Ukraine, bao gồm Ngoại trưởng Vương quốc Anh David Cameron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã công khai kêu gọi ông Johnson hành động. Tuy nhiên, cuộc gặp dự kiến giữa ông Cameron và ông Johnson đã bị hủy bỏ do vấn đề về lịch trình.
“Bên nào không thể bắn trả sẽ thua”
Áp lực chính trị ngày càng gia tăng trong bối cảnh các quan chức quân sự chỉ ra tình cảnh trái ngược giữa hai bên của cuộc xung đột: Ukraine đang cạn kiệt đạn dược và nhân lực, trong khi Nga đang tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng với tốc độ nhanh hơn trước đây.
Hôm 10/4, Tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ kiêm Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng Ukraine sẽ cạn kiệt kho đạn pháo và phòng không hiện có “trong thời gian khá ngắn” nếu không có sự hỗ trợ tiếp tục của Mỹ.
Ngược lại, Nga dự kiến sẽ có lợi thế 10:1 về đạn pháo “trong vòng vài tuần”, ông Cavoli bổ sung.
“Dựa trên kinh nghiệm của tôi trong hơn 37 năm phục vụ trong Quân đội Mỹ, trong trường hợp một bên có thể khai hỏa mà bên kia không thể bắn trả, thì bên nào không thể bắn trả sẽ thua”, vị tướng hàng đầu của Mỹ nói. “Vì vậy, rủi ro là rất cao”.
Tương tự, Tướng Wayne Eyre, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Canada, hôm 9/4 nhận định rằng Nga đang vượt trội Ukraine với tỉ lệ 4:1. Tướng Eyre cho biết, ông tin rằng cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao sinh lực.
“Chúng ta cũng đang chứng kiến các hệ thống của Ukraine oằn mình trước số lượng lớn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga. Và vì vậy, tình hình đang cực kỳ cấp bách”, vị quan chức Canada nói.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ mới, Ukraine “sẽ thua trong cuộc chiến”.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Blair hôm 8/4 cho biết rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Cộng hòa Séc về mua lượng đạn pháo trị giá 60 triệu USD để chuyển ngay tới tiền tuyến, thay cho một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD về sản xuất 1,5 triệu viên đạn ở Canada vốn sẽ mất hơn 2 năm để thực hiện.
“Cuộc thảo luận giữa tôi và tất cả các đồng minh khác ngoài Mỹ là trong khi người Mỹ đang giải quyết vấn đề của họ, những người còn lại trong chúng tôi phải tiến lên và làm nhiều hơn nữa”, ông Blair nói.
Minh Đức (Theo Global News, Kyiv Independent)