Rau mẩy hay còn gọi là rau bọ mẩy, rau mẩy đắng là một loại thảo dược mọc hoang nhiều ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Loại rau này khi mới ăn có vị đắng, sau ngọt dần nơi cổ họng. Xưa kia loại cây này mọc rất nhiều ở các đồi bãi hoang nhưng nay dần trở nên hiếm hơn.
CLIP: Người lớn, trẻ nhỏ ở Thái Nguyên thi nhau săn lùng loại rau dại-bọ mẩy đắng về ăn. Clip: Hà Thanh
Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu hái ngọn rau này về chế biến thành các món ăn như: xào tỏi, hoặc đồ như đồ xôi…
Ở một số nơi, lá non bọ mẩy còn được dùng để nấu canh ăn và dùng cho sản phụ sau khi sinh nở giúp ăn ngon và nhanh bình phục. Rau có vị đắng khá gắt, nhưng sẽ có vị ngọt hậu, hơi bùi.
Cây rau dại-rau bọ mẩy thường mọc ở những khu vực đồi bãi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh
Theo chân anh Kiều Văn Nam, xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên trong một buổi chiều đầu xuân năm mới đi tìm cây rau bọ mẩy về làm món rau phục vụ bữa ăn tối của gia đình.
Anh Nam cho biết: Trước đây, cây rau bọ mẩy được người dân trong vùng sử dụng làm món ăn thay rau do khi đó chưa có nhiều loại rau như bây giờ.
Vì rau có vị đắng gắt nên không phải ai cũng ăn được. Nhưng khi đã ăn rồi sẽ dần có cảm giác ngọt hậu về sau giống như uống nước chè hay ăn rau tầm bóp vậy.
Trẻ con ở Thái Nguyên cũng hào hứng theo người lớn đi hái rau dại-rau bọ mẩy về ăn. Ảnh: Hà Thanh
“Từ khi còn bé chúng tôi đã được ăn ngọn rau này, và dần khi lớn lên do có quá nhiều loại rau thay thế nên nhiều lúc mọi người đã quên đi nó. Giờ thỉnh thoảng có thời gian rảnh rỗi hoặc mỗi khi tết ra ăn nhiều thịt mỡ, bánh chưng ngấy, chúng tôi lại đi tìm rau này để ăn chống ngán.
Xưa kia loại cây này chủ yếu mọc ở triền đồi, bờ bãi nên rất dễ kiếm. Nhưng dần dần do người ta san đất bờ bãi để trồng cây cối nên giờ loại cây này trở nên hiếm hơn.
Nếu như trước kia chỉ cần đi quanh bờ bãi một lát là có thể hái được một rổ rau mẩy đầy thì nay phải mất cả ngày cả buổi mới hái được chừng ấy”, anh Nam chia sẻ.
Ông Kiều Văn Phương, cũng ở xóm Xuân Lai cho biết thêm: “Gia đình tôi ai cũng đều thích ăn rau bọ mẩy này, vị của nó tuy đắng nhưng càng ăn càng thấy ngọt.
Trẻ con nhà tôi ngay từ bé các cháu đã thích ăn rồi. Nên thỉnh thoảng tôi hay đi xung quanh bờ bãi của nhà để tìm những cây có ngọn non hái về ăn”.
Có một điều lưu ý theo kinh nghiệm dân gian mà ông Phương chia sẻ đó là muốn ăn rau mẩy không đắng thì nên lựa chọn thời điểm hái khi chưa có sấm. Còn khi đã có sấm rồi thì rau rất đắng và khó ăn.
Loại rau này ngày nay đã trở thành món ăn đặc sản vì được nhiều người dân ở đây tìm kiếm và săn lùng đặc biệt vào những dịp sau kỳ lễ Tết. Đây là thời điểm mưa xuân nên cây rau mẩy ra nhiều lá non và ăn không quá đắng.
Không chỉ có người lớn tìm kiếm loại rau này mà trẻ nhỏ ở đây cũng rất hào hứng thay phiên nhau đi tìm và hái về. Vì rau có vị đắng nên được dùng để chống ngán rất tốt sau khi ăn nhiều thịt mỡ và bánh chưng. Có một số người còn dùng rau bọ mẩy để nhúng lẩu thay các loại rau khác ăn cũng rất ngon mà lại thanh mát, giải nhiệt.
Theo dân gian, rau bọ mẩy không chỉ được sử dụng làm món ăn trong bữa cơm hàng ngày mà còn được dùng như một loại thảo dược điều trị hiệu quả các bệnh lý như: ghẻ ngứa, giảm mụn bằng cách dùng toàn thân cây bọ mẩy tươi đun lấy nước tắm hàng ngày. Hay có công dụng trong việc thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, thường dùng chữa các chứng bệnh cảm mạo, cảm cúm, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm phổi, quai bị, chảy máu cam, mụn nhọt…
Theo dân gian, rau dại như rau bọ mẩy được dùng như một loại thảo dược điều trị hiệu quả các bệnh lý như: ghẻ ngứa, giảm mụn… Ảnh: Hà Thanh
Bởi vậy, loại cây này được người dân trong vùng sử dụng như một loại thuốc quý mỗi khi có ai đó mắc phải các bệnh nói trên.
Ngày nay, cây rau bọ mẩy không còn nhiều như trước, nên một số người dân nơi đây mong muốn mang về trồng để bảo tồn và gìn giữ loại cây có nhiều công dụng tuyệt vời và được coi như món ăn đặc sản này.
Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo