(Dân trí) – 40 năm qua, Việt Nam chỉ có một loại thuốc phóng xạ dùng trong điều trị lâm sàng được sản xuất, và cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người bệnh tại các khoa Y học hạt nhân trên cả nước.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam – Nga đang hợp tác triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, với mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân hỗ trợ nghiên cứu.
Theo đó, lò phản ứng hạt nhân mới dự kiến có công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo. Sau quá trình khảo sát địa điểm và thiết kế sơ bộ, lò phản ứng sẽ được đặt tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Nhiệm vụ trọng tâm của lò phản ứng là sản xuất dược chất phóng xạ, sử dụng trong điều trị và chẩn đoán ung thư.
Đây được xem là tin rất vui, bởi mỗi năm Việt Nam phát hiện 180.000 người mắc ung thư mới, nhưng hiệu suất chữa trị chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 70% ghi nhận trên thế giới.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ với tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để tìm hiểu thực trạng ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y học, cũng như việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới cần thiết ra sao.
Có thông tin cho biết, sắp tới Việt Nam sẽ xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới tại tỉnh Đồng Nai, địa phương giáp ranh với TPHCM, giúp sản lượng thuốc phóng xạ có thể sẽ tăng 5-7 lần so với hiện tại. Ông nhận định gì về điều này?
– Đồng vị phóng xạ có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, như điện hạt nhân, nông nghiệp, công nghiệp… Với y khoa, đồng vị phóng xạ ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực, bao gồm Y học hạt nhân, Ung bướu, Ngoại thần kinh và Truyền máu…
Nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã sản xuất được đồng vị phóng xạ I-131 (iod-131), cung cấp cho nhiều bệnh viện để điều trị cho người bệnh ung thư tuyến giáp và Basedow. Nhưng do sản lượng không đủ, một số bệnh viện phải nhập thêm đồng vị phóng xạ từ nước ngoài để phục vụ người bệnh.
Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới có ý nghĩa rất lớn, không những đảm bảo nhu cầu I-131 sử dụng trong nước mà còn sản xuất nhiều loại đồng vị phóng xạ khác, để ứng dụng cả trong điều trị lẫn chẩn đoán.
Xin ông phân tích rõ hơn về cơ chế dùng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh để người dân được biết.
– Cụ thể về chẩn đoán, chúng ta dùng một đồng vị phóng xạ chẩn đoán (phát tia gamma) để đánh dấu vào một chất sinh học, hóa học (còn gọi là chất gắn kết, chất dẫn mà cơ thể bình thường hoặc tổ chức bệnh lý sử dụng) để tạo ra thuốc phóng xạ.
Sau đó, người bệnh được sử dụng thuốc phóng xạ này bằng đường tiêm, đường uống và các bác sĩ có thể ghi nhận lại các vị trí tập trung thuốc phóng xạ, thông qua các hệ thống thiết bị ghi đo hình ảnh như: máy đo độ tập trung iot ở tuyến giáp, máy SPECT, SPECT/CT (để chẩn đoán, theo dõi bệnh lý xương, thận, tuyến giáp, tim); máy PET/CT (chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý ung thư vú, phổi, đại trực tràng, vòm hầu, thực quản, tuyến tiền liệt, nội tiết và gan.
Ngoài ra còn dùng trong chẩn đoán một số bệnh lý tim mạch và thần kinh). Đây là một phương pháp ghi hình phân tử, chuyển hóa và chức năng ở mức độ tế bào.
Nếu chúng ta sử dụng một đồng vị phóng xạ điều trị (phát tia beta hoặc alpha) hoặc một đồng vị phóng xạ có cả hai chức năng chẩn đoán và điều trị, ví dụ như I-131 để đánh dấu vào một chất sinh học, hóa học thì sẽ tạo ra thuốc phóng xạ ứng dụng trong điều trị một số loại bệnh ung thư.
Theo chia sẻ của ông, đồng vị phóng xạ mang lại rất nhiều lợi ích trong y học. Nhưng thực tế sản xuất đồng vị phóng xạ để ứng dụng ở nước ta hiện nay như thế nào?
– Như đã nói ở trên, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (nơi duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ) chỉ cung cấp đồng vị phóng xạ I-131, đủ đáp ứng một phần nhu cầu điều trị bệnh.
Ngoài ra, còn một đồng vị phóng xạ khác phục vụ chẩn đoán là F-18, được sản xuất ở một số cơ sở trong nước có máy gia tốc vòng (Cyclotron), dùng để tổng hợp thành thuốc phóng xạ F-18 FDG (một chất tương tự glucose) sử dụng cho người bệnh trong ghi hình chẩn đoán PET/CT. Thuốc phóng xạ này có thời gian bán rã (T1/2) 2 giờ và thời gian sử dụng dưới 8 giờ.
Hiện tại, các khoa Y học hạt nhân đều có khả năng pha chế các thuốc phóng xạ dùng cho người bệnh để ghi hình chẩn đoán trên máy SPECT và SPECT/CT. Tuy nhiên, họ phải mua nguyên liệu là máy phát đồng vị phóng xạ Tc-99m từ nước ngoài (như châu Âu, Hàn Quốc) và các chất gắn kết, chất dẫn.
Mỗi máy phát đồng vị phóng xạ Tc-99m có giá 50-60 triệu đồng, để dùng cho 100-200 người bệnh với thời gian sử dụng khoảng 2 tuần và không thể gia hạn thêm, vì đồng vị phóng xạ khi ấy đã hết hoạt độ. Việc nhập khẩu cũng rất khó khăn, bởi phải đảm bảo điều kiện gắt gao về an toàn bức xạ.
Ở Việt Nam, ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy đã trang bị máy gia tốc vòng Cyclotron từ năm 2009, một số cơ sở trên cả nước như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng… cũng đã có Cyclotron. Kinh phí để trang bị hệ thống này rơi vào khoảng 200 tỷ đồng, với thời gian xây dựng trung bình là 6 tháng.
Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy còn trang bị hệ thống tổng hợp thuốc gắn đồng vị phóng xạ Ga-68. Chúng tôi phải mua nguyên liệu là máy phát đồng vị Ga-68 (thời gian sử dụng 9 tháng) và các chất sinh học để pha chế, sử dụng thành công thuốc phóng xạ Ga-68 PSMA (dùng trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt) và thuốc Ga-68 Dotatate (chẩn đoán u thần kinh nội tiết).
Nguyên nhân vì sao Việt Nam phải lệ thuộc hầu hết nguồn đồng vị phóng xạ từ nước ngoài, thưa ông?
– Câu hỏi này chúng tôi đã đặt ra từ lâu. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất nhỏ và sử dụng đã lâu năm, nên không thể nào đáp ứng được việc sản xuất đồng vị phóng xạ dùng cho chẩn đoán, điều trị của hàng chục khoa Y học hạt nhân trên cả nước.
Thứ hai, chúng ta cần nghiên cứu sản xuất những thuốc phóng xạ trong điều trị mà thế giới đã đang sử dụng rộng rãi, như Sm-153 EDTMP (điều trị giảm đau ung thư di căn xương), Lu-177 Dotatate dùng điều trị u thần kinh nội tiết, hay Lu-177 PSMA trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến… Thực tế ngoài I-131, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt còn pha chế nhiều loại thuốc phóng xạ khác, nhưng chưa ứng dụng được cho người bệnh.
Như vậy, việc đầu tư sản xuất thuốc phóng xạ ở nước ta có khả thi không, thưa ông?
– Nhu cầu dùng thuốc phóng xạ của bệnh nhân rất lớn. Chỉ tính riêng tại khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tháng có trung bình 200 người bệnh cần điều trị cho bệnh lý tuyến giáp (chủ yếu ung thư tuyến giáp) bằng I-131. Chi phí điều trị hoàn toàn khả thi, nếu tự chủ động được nguồn thuốc.
Do đó, Việt Nam rất cần đầu tư xây dựng được trung tâm sản xuất thuốc phóng xạ dùng để điều trị, chẩn đoán trên quy mô toàn quốc. Về mặt công nghệ, tôi tin tưởng chúng ta đủ khả năng đáp ứng được.
Tôi chỉ mong mỗi năm, nước ta sản xuất thêm được một loại thuốc phóng xạ mới để sử dụng cho người bệnh, không cần phải nghiên cứu dàn trải. Làm được như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cứu chữa người bệnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Phạm Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, 40 năm qua (tính từ thời điểm khôi phục, vận hành vào năm 1984), Viện chỉ sản xuất một sản phẩm thuốc phóng xạ dùng trong điều trị, đó là I-131. Lý do vì công suất lò phản ứng hạt nhân của Viện quá nhỏ (công suất nhiệt 500 kWt), nên không thể làm các sản phẩm điều trị khác.
Do đó, khi Việt Nam xây dựng lò phản ứng hạt nhân công suất lớn sẽ tập trung sản xuất rất nhiều đồng vị phóng xạ mới, ứng dụng cả trong chẩn đoán lẫn điều trị.
Tiến sĩ Minh khẳng định, nước ta hoàn toàn có khả năng tự chủ được công nghệ sản xuất đồng vị phóng xạ. Tuy nhiên, dự án ở Đồng Nai mới chỉ được lên chương trình bước đầu, chưa có thông tin về thời gian triển khai xây dựng.
Nội dung: Hoàng Lê
Thiết kế: Thủy Tiên
Ảnh: Hoàng Lê, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/lo-phan-ung-hat-nhan-viet-nam-va-mong-moi-cua-chuyen-gia-y-hoc-20240801161602355.htm