Đó là nhận định được ông Lê Trung Chinh – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đưa ra tại buổi đối thoại với thanh niên ngày 16-4.
Thanh niên lo bạo lực học đường gia tăng
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với thanh niên, chị Nguyễn Thị Tuyết – bí thư Đoàn Trường Đại học Duy Tân – cho biết thời gian qua vấn nạn bạo lực học đường diễn ra trong và ngoài nhà trường gây hoang mang, bức xúc dư luận.
Điều này cho thấy văn hoá học đường đang có những biểu hiện tiêu cực và ngày càng đi xuống.
Nếu không có những biện pháp kịp thời thì tình hình này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến tâm lý sức khoẻ của thanh thiếu nhi, gây ra những hình ảnh không đẹp về môi trường giáo dục nước nhà và thế hệ trẻ.
Chị Tuyết cho rằng lãnh đạo thành phố cần có giải pháp để nâng cao văn hoá học đường cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Lo ngại học sinh dùng mạng xã hội bị ảnh hưởng xấu
Về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố đã giảm trong nhiều năm qua, nhưng mới đây lại nổi lên ở nhiều địa phương không chỉ Đà Nẵng mà khắp cả nước.
“Tôi lo ngại nhất là tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội, tác động kinh khủng lắm. Các cháu lên mạng thấy người ta làm gì là học theo, rất đáng ngại. Đề nghị ngành giáo dục đào tạo thường xuyên nhắc nhở, quan tâm giáo dục vấn đề này”, ông Chinh nói.
Ông Chinh cũng cho rằng thông qua mạng xã hội, một số thanh niên lôi kéo nhau tham gia những việc làm vi phạm trật tự xã hội.
“Tôi rất lo, mạng xã hội tác động rất lớn. Các bạn thử kiểm chứng ngoài giờ ngủ, các bạn sử dụng mạng xã hội bao nhiêu tiễng mỗi ngày, thời gian ấy các bạn quan tâm đến hoạt động tích cực bao nhiêu và tiêu cực bao nhiêu phần trăm?”, ông Chinh nói với các đại biểu thanh niên.
Vì vậy, ông Chinh gửi gắm các cán bộ Đoàn cần tập hợp không chỉ thanh niên tốt, mà còn quan tâm đến các thanh niên hư để đưa họ tránh xa các cạm bẫy, đặc biệt là cạm bẫy thông qua mạng xã hội. Thanh niên cũng cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Trao đổi về vấn nạn bạo lực học đường, ông Mai Tấn Linh – phó giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng – cho rằng vấn nạn bạo lực học đường không phải mới nhưng hiện có chiều hướng gia tăng và phức tạp.
Ông Linh cho biết thông thường học sinh lớp 6, lớp 10 thường có biểu hiện bất thường vì các em ở các địa phương khác nhau, khi đến môi trường mới thường có những xung đột.
“Chúng tôi cũng đã tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh ở đầu cấp, để có hướng giáo dục. Ngành giáo dục cũng tăng cường phối hợp với phụ huynh, ký cam kết giáo dục học sinh trong đầu năm học, đặc biệt đầu cấp. Phối hợp công an địa phương ngăn chặn, phòng chống bạo lực…”, ông Linh nói