Lĩnh vực sản xuất là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và là động lực tăng trưởng chính. Năm 2022, lĩnh vực sản xuất đóng góp 24,8% GDP của Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam đặt mục tiêu ngành sản xuất sẽ đóng góp 30% cho GDP vào năm 2030, trong đó 45% hàng hóa sản xuất là sản phẩm công nghệ cao.
Sản xuất thiết bị điện tử tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang. |
Việt Nam đang “hút” các tập đoàn công nghệ bán dẫn và điện tử tiên tiến thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tháng 10/2023, tập đoàn Amkor chuyên đóng gói chip đã công bố nhà máy đầu tiên trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam.
Theo JPMorgan, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 65% số tai nghe AirPod của Apple, 5% máy tính xách tay MacBook và 20% máy tính bảng iPad cùng với đồng hồ thông minh Apple Watch.
Ngoài sản xuất công nghệ, Việt Nam còn là trung tâm sản xuất linh kiện ô tô. Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc đã thành lập nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy tại Hà Nội. Trong khi, tập đoàn sản xuất Yokowo của Nhật Bản mở nhà máy tại Hà Nam. Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư ồ ạt vào các dự án sản xuất xe điện.
Ở một lĩnh vực khác, hãng Nike sản xuất giày dép, quần áo và thiết bị tại Việt Nam hiện đang có tới 155 nhà máy tại Việt Nam, chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.
Công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng gấp 200 lần, từ 85 MW trong năm 2017 lên gần 17.000 MW trong năm 2021.
Tuy nhiên, dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức, trong số đó có tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Hầu hết đầu tư nước ngoài đều đổ vào ngành công nghệ cao, nhưng lực lượng lao động có trình độ còn thiếu sẽ là yếu tố cản trở sự thăng hạng trong chuỗi giá trị.
Việt Nam cũng còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất trình độ cao. Hạ tầng đường sắt và đường bộ vẫn là các yếu tố cần nhanh chóng cải thiện hơn nữa để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu thô và linh kiện giữa các cơ sở sản xuất.
Báo cáo phân tích của hãng McKinsey kiến nghị, muốn vượt qua những thách thức hiện nay, Việt Nam cần khẩn trương chuyển đổi vai trò là địa điểm sản xuất chi phí thấp thành trung tâm sản xuất năng suất cao.
“Điều này đòi hỏi khu vực công và tư phải phối hợp đồng bộ. Ở cấp Chính phủ liên tục có chính sách hỗ trợ, nhưng những nỗ lực này cần được thực hiện hiệu quả ở cả cấp tỉnh và khu công nghiệp thông qua các quy trình đơn giản hóa”, Báo cáo của McKinsey viết.