Mới đây, trang Facebook của Trường mầm non Họa Mi (ở TT.Di Lăng, H.Sơn Hà, Quảng Ngãi) đăng tải hình ảnh các giáo viên mầm non đang trang trí tiểu cảnh, làm linh vật đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, hình ảnh linh vật rồng được làm từ bìa carton rất đẹp mắt, thu hút nhiều người vào bình luận khen ngợi.
Vừa trình làng đã gây ‘bão mạng’, linh vật rồng Quảng Trị ẩn chứa thông điệp đặc biệt
Sau đó, hình ảnh linh vật rồng này được nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook chia sẻ, bình luận. Các bình luận khen ngợi khác nhau, như: “rồng đẹp quá, các cô thật khéo tay”, “các cô giỏi quá”, “cô thật khéo tay”, “con rồng rất đẹp”, “10 điểm cho các cô giáo trường Họa Mi”…
Chiều 27.1, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, cô giáo Trần Thị Thúy Kiều, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi, cho biết, để tạo không khí tết cho học sinh, các giáo viên đã tận dụng những nguyên vật liệu đơn giản, dễ kiếm như bìa carton, keo dán để làm linh vật rồng với chiều dài 2 m, chiều cao 1,5 m.
Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tìm kiếm tre, lá để làm các gian hàng chợ quê, tạo không gian phiên chợ tết xưa, làm các món ăn ngày tết như: bánh tét, bánh chưng, vẽ thư pháp, trang trí cây mai, đào…
“Linh vật biểu tượng cho từng năm đều có trong hiện thực. Tuy nhiên, rồng là một trong những con vật rất xa lạ đối với trẻ, không có trong thực tế. Từ quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của trẻ, các cô muốn làm một con rồng thật đẹp để các em trải nghiệm, khám phá. Việc làm linh vật rồng tạo không khí vui tươi để các bé đón tết”, cô Kiều nói.
Tham gia làm linh vật rồng bằng bìa carton, cô giáo Trần Thị Kim Mai cho hay, việc tái hiện con rồng là để học sinh có thể quan sát, trải nghiệm, khám phá đặc điểm của con rồng. Đồng thời, giúp các em biết được ý nghĩa biểu tượng Tết Nguyên đán Giáp Thìn là gì. Qua đó, giáo dục cho các em ý thức, trách nhiệm, giữ gìn những phong tục, nét đẹp văn hóa của ngày tết cổ truyền, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
“Các cô giáo tranh thủ buổi trưa và cuối buổi chiều để làm linh vật rồng. Từ một con vật không có thật, các giáo viên đã giúp các em, nhất là các em ở miền núi có được những hình dung nhất định về linh vật của năm. Đồng thời, tạo sự hứng thú cho phụ huynh đến tham quan, chụp hình cùng các em”, cô Mai cho biết thêm.
Trường mầm non Họa Mi có 5 điểm trường, trong đó 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ, tổng cộng có 390 học sinh. Tại 4 điểm trường lẻ, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê.