Người sẵn sàng, người chưa có định hướng
Nguyên Khôi, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), chia sẻ bản thân có thế mạnh ở các môn xã hội. Tuy nhiên, ngành yêu thích của Khôi là luật kinh tế và marketing lại chủ yếu có tổ hợp xét tuyển cần các môn tự nhiên. Vì thế, Khôi không khỏi lo lắng khi “đánh liều” dự định thi khối D01 (toán, văn, Anh).
“Ngay khi vừa nghỉ hè lớp 11, em đã dành 1-3 tiếng/ngày để ôn luyện tiếng Anh, ghi chú các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng khó trên điện thoại để thuận tiện học ở bất cứ đâu. Môn toán thì em thường luyện đề, chăm giải lại các câu khó để tư duy thêm nhạy bén”, Khôi chia sẻ.
Nam sinh cho hay, khi chọn ngành, bản thân ưu tiên yếu tố đam mê nhằm tạo động lực thúc đẩy học tập. Sau đó, Khôi mới xét đến cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, những tiêu chí mà nhà tuyển dụng cần để rèn luyện trong quá trình học.
Đức Cường, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) chia sẻ, tìm hiểu sở thích, nhu cầu xã hội và kiến thức cơ bản về ngành là ba yếu tố để lựa chọn nguyện vọng phù hợp với bản thân.
“Không có đam mê sẽ rất khó để theo đuổi lâu dài, chọn ngành phải biết mình sẽ học gì, làm gì để rèn luyện. Với tỷ lệ thất nghiệp ở một số ngành hiện nay, em cũng cân nhắc nhu cầu việc làm, những nghề liên quan có thể rẽ hướng”, Cường cho biết.
Ngay từ đầu cấp 3, Cường đã tham khảo ý kiến từ gia đình, thầy cô, những anh chị đi trước để đưa ra quyết định theo đuổi ngành luật của Trường Đại học Luật TPHCM.
Theo Cường, luật là ngành cần kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp và thuyết phục. Vì thế, em đặt mục tiêu phấn đấu, thường xuyên tham gia nhiều hoạt động, phong trào để rèn luyện các kỹ năng này.
“Hè vừa rồi, em đã tham gia chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” và là chỉ huy trưởng của trường THPT Trần Khai Nguyên. Trong quá trình tham gia, em học được cách sắp xếp thời gian, giải quyết các vấn đề phát sinh, mạnh dạn hơn trong giao tiếp với mọi người và linh hoạt trong các tình huống”, Cường nói.
Trái với những học sinh đã có sự chuẩn bị và định hướng, không ít học sinh cuối cấp vẫn chưa xác định rõ thế mạnh và đam mê. Đó là trường hợp của Trần Tuấn, học sinh lớp 12, trường THPT Phan Thanh Giản, tỉnh Bến Tre.
Nam sinh đánh giá sức học của mình ở mức khá và không có sở thích đặc biệt ở lĩnh vực nào. Tuấn dự định thi khối A00 (toán, lý, hóa). Đây cũng là ba môn bản thân học tốt nhất với nguyện vọng vào ngành kỹ thuật hàng không của trường Đại học Bách khoa TPHCM.
“Em sẽ ưu tiên yếu tố sở trường để quá trình theo ngành an toàn và thuận lợi. Khi có được tấm bằng sẽ vững vàng theo đuổi lĩnh vực khác nếu khám phá được đam mê”, Tuấn cho biết.
Ưu tiên yếu tố đam mê
TS. Nguyễn Hồng Phan, Phó trưởng khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM chia sẻ, theo lý thuyết tâm lý học và những nghiên cứu về hướng nghiệp, học sinh cần ưu tiên yếu tố đam mê trong việc chọn ngành. Vì đam mê mang lại niềm vui, sự hứng thú và khả năng tập trung cho con người trong học tập, làm việc.
“Đối với những em chưa có thế mạnh về ngành mình thích thì cũng không cần quá lo sợ. Bởi sự đam mê thật sự sẽ tạo nên động lực phấn đấu, từ đó, tạo cho các em kỹ năng dần hoàn thiện bản thân”, ông nhận định.
Tuy nhiên, học sinh cần tránh sự lầm tưởng hay đánh giá chưa chính xác. Các em cần tham chiếu qua nhiều nguồn như trắc nghiệm, giáo trình hướng nghiệp theo tính cách, sự quan sát của gia đình, thầy cô.
“Ngoài yếu tố năng lực và sở thích, học sinh cần xem xét tố chất cá nhân liệu có phù hợp, đáp ứng ngành nghề hay không. Các em không nên chọn ngành hot, theo xu hướng xã hội nhất thời dẫn đến mất cân bằng trong thị trường lao động”, TS Nguyễn Hồng Phan cho hay.
Đối với những học sinh cuối cấp còn đang loay hoay chọn ngành nghề, theo TS. Phan, nguyên nhân dẫn đến điều này có thể do các em chưa có nhiều sự trải nghiệm hay đã quen đi theo lộ trình sẵn có.
“Sở thích, năng lực được hình thành thông qua hoạt động độc lập, tự chủ. Học sinh chưa có cơ hội trải nghiệm nhiều sẽ khó xác định mình đam mê, hứng thú ở lĩnh vực nào. Do đó, các em phải đặt mục tiêu dài lẫn ngắn hạn những đầu việc cần làm để tránh mất phương hướng”, TS. Phan chia sẻ.
Để định hướng ngành nghề hiệu quả cho học sinh, TS. Phan nhấn mạnh, phụ huynh và nhà trường cần sự phối hợp, thay đổi nhận thức, tránh áp đặt việc lựa chọn ngành nghề của các em.
“Bậc phụ huynh thường mang tâm lý cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó. Tuy nhiên, quan điểm giáo dục hiện tại là sự tự do khai phóng, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Khi các em được lựa chọn, học tập đúng với năng lực, đam mê sẽ tạo ra giá trị cho xã hội”, ông cho hay.
Kỷ Hương
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/lieu-minh-chon-nganh-hot-theo-so-thich-hoc-sinh-can-luu-y-gi-20240923230035325.htm