Vụ vỡ đập xảy ra vào ngày 11/9 bên ngoài Derna, một thành phố ven biển ở miền đông Libya, sau khi bão Daniel đổ bộ vào nước này. Theo các cơ quan viện trợ, số người chết dao động từ 4.000 đến 11.000 người.
Theo tuyên bố của văn phòng Tổng công tố al-Sidiq al-Sour, Thị trưởng Derna Abdel-Moneim al-Ghaithi, người đã bị sa thải sau thảm họa, cũng nằm trong số những người bị thẩm vấn.
Tuyên bố cho biết thêm, các công tố viên cũng ra lệnh tạm giam các quan chức của Cơ quan Tài nguyên Nước và Cơ quan Quản lý Đập trong khi chờ hoàn tất cuộc điều tra.
Những người này hiện dang bị thẩm vấn liên quan tới hành vi quản lý yếu kém, sơ suất và sai lầm góp phần gây ra thảm họa. Các công tố viên khẳng định các quan chức đã không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh bản thân đã hành động một cách có trách nhiệm trước khi thảm họa xảy ra.
Các con đập được xây dựng bởi một công ty xây dựng từ Nam Tư cũ vào những năm 1970 trên thung lũng Wadi Derna.
Các con đập này nhằm bảo vệ thành phố khỏi lũ quét. Một công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký hợp đồng vào năm 2007 để tiến hành bảo trì hai con đập.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 cho biết hai con đập đã không được bảo trì mặc dù đã được phân bổ hơn 2 triệu USD cho mục đích đó vào năm 2012 và 2013.
Libya từ lâu đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ sau cuộc nổi dậy cách đây hơn 1 thập kỷ nhằm lật đổ nhà độc tài Moammar Gadhafi.
Kể từ đó, đất nước này đã bị chia cắt giữa các chính quyền đối địch ở phía đông và phía tây, làm phức tạp tình hình trên thực địa và khiến cơ sở hạ tầng quan trọng rơi vào tình trạng không được bảo trì thường xuyên.
Quốc gia giàu dầu mỏ này cũng trải qua một cuộc nội chiến từ năm 2014 đến năm 2020, gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Các chuyên gia trong nước đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo, kể cả năm ngoái, về sự cần thiết phải bảo trì các con đập.
Hoàng Nam (theo France24, DW)