‘Con không thể hạnh phúc khi chỉ sống cùng cha hoặc mẹ’, ‘Con không thể sống hạnh phúc khi chỉ làm những điều bố mẹ mong muốn’… là những tâm sự của con trước ngày khai giảng.
Ngày 4-9, Trường tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) tổ chức hoạt động trải nghiệm hạnh phúc đặc biệt dành cho phụ huynh và học sinh nhân dịp lễ khai giảng mang tên “chuyến tàu hạnh phúc”.
Trong ngày đầu tiên tổ chức, có hơn 500 phụ huynh ở Hà Nội đã trải nghiệm chuyến tàu đặc biệt này.
Trong đó, nhiều phụ huynh đã bật khóc vì xúc động khi đi qua những trạm dừng chân, nghe, nhìn và trải nghiệm những câu chuyện hạnh phúc là gì của con trẻ, hay những câu chuyện về hạnh phúc nhưng phải thêm nhiều điều kiện của người trưởng thành.
Bước lên chuyến tàu đặc biệt này, các hành khách sẽ được đi qua 5 trạm dừng chân gồm: trạm hiểu biết, trạm tử tế, trạm biết ơn, trạm trưởng thành và cuối cùng là trạm dừng chân hạnh phúc.
Rời nhà chờ, chuyến tàu khởi hành đến trạm dừng chân “hiểu biết”. Các hành khách đi chân trần qua các chướng ngại vật, trải nghiệm 5 trạm dừng chân đầy cảm xúc – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Bước vào trạm dừng chân đầu tiên “hiểu biết”, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra để phụ huynh tự suy ngẫm “hạnh phúc là gì?”, “chúng ta trở nên giàu có thì đã hạnh phúc chưa?”, hay những câu hỏi từ con trẻ “con không thể hạnh phúc khi chỉ sống cùng cha hoặc mẹ”, “con không thể sống hạnh phúc khi chỉ làm những điều bố mẹ mong muốn”…
Đến trạm tử tế, thông qua những câu chuyện được sắp xếp, giúp các phụ huynh, con trẻ hiểu được chất liệu của hạnh phúc từ những điều giản đơn, gần gũi.
Đường dẫn đến các trạm dừng chân là những thông điệp về hạnh phúc, là cái nắm tay chân thành, cái ôm ấm áp của học sinh, thầy cô dành tặng phụ huynh – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ông Phạm Tuấn Đạt – giám đốc điều hành hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức – cho biết thông điệp quan trong nhất của trạm dừng chân “biết ơn” gửi đến hành khách trên chuyến tàu rằng: “Không chỉ nói lời biết ơn, lời cảm ơn, mà phải hành động để lan tỏa tiếp điều tốt đẹp”.
Năm nay nhà trường lấy chủ đề “Năm học của sự hạnh phúc”, chuyến tàu hạnh phúc khởi động và sẽ còn tiếp diễn xuyên suốt trong các hoạt động của năm học.
“Mục tiêu lớn nhất của nhà trường là kiến tạo môi trường hạnh phúc, tất cả các chất liệu phải giúp đứa trẻ làm sao hạnh phúc: phải biết tử tế, tăng trưởng nội lực, biết ơn và trân quý những điều đang có, không đau buồn với những điều xảy ra trong quá khứ và không quá lo lắng với những điều sẽ xảy ra trong tương lai”, ông Đạt nhấn mạnh.
Tại trạm dừng chân “biết ơn”, những câu chuyện về tình thân, tình mẫu tử trong hành trình đi tìm “hạnh phúc là gì?” đã gây xúc động cho nhiều bậc phụ huynh – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Phụ huynh Nguyễn Loan cảm thấy xúc động về rất nhiều câu chuyện trong buổi trải nghiệm như câu chuyện của chính mình nhưng chưa bao giờ được nói ra và chưa bao giờ để cho người khác nhìn thấy.
“Những trải nghiệm hôm nay là những câu chuyện không mới, hiện hữu trong chúng ta mỗi ngày. Nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì tác động bên ngoài khiến chúng ta không thể hiện được sự ấm áp, lòng biết ơn của mình đối với bố mẹ, gia đình, xã hội…
Tôi rất hạnh phúc khi hôm nay cả gia đình có cơ hội cùng tham gia và trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt này, qua đó gắn kết, thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn”, chị Loan nói.