NDO – Cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX, những thế hệ học sinh miền nam đầu tiên ra đời. Tất cả các thế hệ học sinh miền nam được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đưa ra bắc học tập bằng nhiều con đường khác nhau như tàu thủy, hay vượt dãy Trường Sơn đều đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.
Sáng 26/10, tại Hà Nội, Ban liên lạc Học sinh miền nam Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền nam trên đất bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; cùng nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện các địa phương nơi có học sinh miền nam học tập cùng hơn 500 thầy, cô giáo tham gia giảng dạy học sinh miền nam và 3.000 đại biểu là thế hệ học sinh miền nam trên đất bắc.
Các đại biểu dự lễ. |
Diễn văn do Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Cách đây 70 năm, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền nam-Bắc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.
Cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa một số lượng không nhỏ thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ chiến sĩ ra bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền nam, tái thiết đất nước. Mặt khác, các cán bộ chiến sĩ cách mạng còn ở lại miền nam cũng sẽ yên lòng chiến đấu.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh, các thế hệ học sinh miền nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành.
Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền bắc, hàng trăm học sinh miền nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào nam chiến đấu. Vài năm sau đó, hàng ngàn học sinh miền nam tốt nghiệp đại học, nhất là các ngành y dược, sư phạm, thông tin liên lạc tiếp tục trở về miền nam chiến đấu, giải phóng quê hương.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, khẳng định: sự kiện cán bộ, chiến sĩ, học sinh, thiếu nhi miền nam tập kết ra Bắc năm 1954 trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc, lắng đọng trong tâm khảm, trong trái tim của biết bao thế hệ người dân đất Việt Nam; đây là biểu tượng sáng ngời của chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một;
Đây là kết quả của đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình đồng chí yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là minh chứng về niềm tin tưởng tuyệt đối của đồng bào miền nam đối với Bác Hồ, với Đảng, với Nhà nước khi trao những đứa con còn thơ bé cho sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng.
Việc thành lập hệ thống Trường Học sinh miền nam trên đất bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong sự nghiệp trồng người, ươm những hạt giống cao quý, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Sự kiện là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử, thêm tự hào và vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ cũng như các vị tiền bối cách mạng đã lựa chọn; tin tưởng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hiện thực hóa mục tiêu 100 năm mà Đảng ta đã xác định, tạo nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn và tin tưởng rằng, các cựu học sinh miền nam trên đất bắc, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam để các thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo.
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn phát biểu. |
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền nam Trung ương thay mặt các thế hệ học sinh miền nam trân trọng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố nơi có các Trường Học sinh miền nam học tập đã giúp đỡ, chở che, nuôi dạy các thế hệ học sinh miền nam trưởng thành, phát triển.
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định, các thế hệ học sinh miền nam mãi mãi nhớ ơn Đảng, Bác Hồ đối với sự nghiệp dạy dỗ, sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Dịp này, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn cũng thông tin về kết quả xây dựng biểu tượng con tàu đưa học sinh, thiếu nhi miền nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, đồng thời khẳng định đây là biểu tượng nhân văn, đẹp đẽ, có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau…
Nguồn: https://nhandan.vn/le-ky-niem-70-nam-truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-post838793.html