Mong muốn duy trì show diễn định kỳ
Lễ hội sông nước TP.HCM năm nay thực sự sôi động, rộn ràng, đã tạo được dấu ấn trong lòng người dân thành phố và khách du lịch. Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong 10 ngày tổ chức với gần 20 hoạt động, Lễ hội đã thu hút 4,5 triệu lượt người dân và du khách tham gia, tương tác trực tiếp trong các hoạt động của sự kiện.
Về hiệu quả của lễ hội, ngoài góp phần tăng trưởng trực tiếp cho ngành du lịch, dịch vụ đường thuỷ thì còn tạo nên hiệu ứng thu hút lượng lớn khách du lịch tại các điểm đến khác trên địa bàn. Tổng số khách đến TP.HCM từ ngày 31/5 – 9/6 là 1,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 121.000 lượt, khách nội địa đạt hơn 1,1 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lễ hội đã tạo được “làn sóng” hưởng ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, trở thành tin tức được quan tâm hàng đầu trong ngày khai mạc. Không những thế, sự kiện còn tạo ra xu hướng giáo dục kết hợp với giải trí, tôn vinh giá trị lịch sử và văn hoá, lòng tự tôn dân tộc thông qua vở đại nhạc kịch diễn ra ngay bên bờ sông di sản.
Ngay trong đêm khai mạc Lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng bởi các hoạt động đặc sắc như: chương trình pháo hoa nghệ thuật – lần đầu tiên có đến 3 điểm bắn pháo hoa trên sông Sài Gòn, màn diễu hành tàu thuyền lung linh kết hợp với trình diễn ánh sáng nghệ thuật (drone show) đã thắp sáng cả bầu trời của TP.HCM.
Bà Uyên Chi (Quận 1) đánh giá, Lễ hội sông nước TP.HCM là chuỗi hoạt động rất ý nghĩa và đầy tính văn hóa. Sự kiện diễn ra đúng thời điểm các em học sinh bắt đầu kỳ nghỉ hè, nhờ thế nhiều gia đình đã có thời gian vui chơi, trải nghiệm các hoạt động thú vị bên nhau, ngay tại trung tâm TP.HCM mà không cần đi đâu xa.
Bà Uyên Chi mong muốn Lễ hội có thể kéo dài nhiều hơn, để người dân có thời gian trải nghiệm nhiều hơn nữa. “Tôi tham quan rất nhiều nơi như là không gian lễ hội tại kênh Thị Nghè, bến Bình Đông. Nơi nào tôi cũng thấy có những nét đặc sắc riêng. Ví dụ như đêm khai mạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật vô cùng ấn tượng và hấp dẫn. Còn ngày hôm nay, các hoạt động biểu diễn dưới nước tôi thấy cũng rất là thích thú”.
Hàng loạt hoạt động diễn ra nhưng điểm nhấn của Lễ hội vẫn là show diễn “Dòng sông kể chuyện mùa 2” với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”. Nhiều người dân TP.HCM bày tỏ tiếc nuối khi không thể “săn” được vé để trực tiếp thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt, hoành tráng này.
Anh Trần Vĩnh Thái (ngụ TP. Thủ Đức) chia sẻ, đã 2 mùa Lễ hội nhưng năm nào, show diễn này cũng chỉ diễn một đêm duy nhất rồi thôi. Không chỉ anh Thái mà nhiều người dân và du khách bày tỏ mong muốn những mùa Lễ hội sau cần tăng quy mô khán đài, tần suất biểu diễn. Thậm chí thành phố có thể mở bán vé show diễn định kỳ để vừa kích cầu du lịch, vừa hướng đến đại chúng để nhiều người có cơ hội xem sau khi kết thúc Lễ hội.
“Tôi cảm thấy rất hài lòng với quy mô cũng như tính chuyên nghiệp của Lễ hội sông nước lần này. Còn đêm khai mạc, với quy mô của một show diễn rất lớn như vậy mà chỉ diễn ra một lần rôì thôi sẽ là một điều đáng tiếc cho du khách cũng như là người dân không có dịp tham dự. Bởi đây không chỉ là một hoạt động văn hóa mà nó còn mang nhiều ý nghĩa, bài học về lịch sử của dân tộc”, anh Trần Vĩnh Thái chia sẻ.
Nhiều hoạt động chưa thể khai thác tour
So với lần đầu tổ chức, Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 đã mở rộng về quy mô thời gian và các hoạt động xuyên suốt sự kiện. Có lẽ vì thế, nên đã xuất hiện những “hạt sạn” tại một số không gian, hoạt động. Đơn cử, cùng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2, khác với giá trái cây rẻ không ngờ tại Lễ hội trái cây Nam bộ diễn ra tại Suối Tiên, thì giá trái cây tại Tuần lễ trái cây “trên bến dưới thuyền” Quận 8 lại bị chê đắt đỏ.
Mặt khác, không gian, khâu tổ chức tại sự kiện này cũng nhận nhiều sự phàn nàn của khách tham quan. Chị Lê Minh Thư (ở TP. Thủ Đức) cho biết, chị đã rất háo hức mặc trang phục áo bà ba đến tham quan, chụp ảnh tại không gian “trên bến dưới thuyền” trên, nhưng thực tế diễn ra khiến chị thất vọng. Vì mọi thứ khác rất xa so với những gì chị tưởng tượng.
“Tôi cảm thấy là nó chưa giống như tưởng tượng của tôi, cũng như thông tin mà tôi xem được từ các phương tiện truyền thông. ‘Trên bến dưới thuyền’ nhưng tại đây tôi thấy chỉ là hoạt động mua bán ở trên bờ, không có chiếc thuyền nào hay hoạt cảnh tái hiện về chợ nổi. Ngoài ra tôi giá cả trái cây bán ở đây cũng đắt hơn so với thị trường”, chị Lê Minh Thư chia sẻ.
Một số doanh nghiệp lữ hành đánh giá, ngoài show diễn vở đại nhạc kịch ngoài trời “Chuyến tàu huyền thoại”, các hoạt động còn lại tại Lễ hội vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để xây dựng thành sản phẩm tour cụ thể và giới thiệu đến du khách.
Đại diện một đơn vị lữ hành trên địa bàn TP.HCM cho biết: “Sau chương trình khai mạc, chúng tôi thấy Ban tổ chức có tổ chức các hoạt động như: thể thao dưới nước, các lễ hội trái cây, không gian “trên bến dưới thuyền”, các hoạt động về triển lãm, diễu hành, trưng bày các sản phẩm trang trí, nghệ thuật… Tuy nhiên, phía đơn vị lữ hành như chúng tôi chưa có thể kết nối để xây dựng thành một cái sản phẩm tour trọn gói cụ thể, đủ sức hấp dẫn để giới thiệu đến du khách”.
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà Lễ hội sông nước mang lại cho ngành dịch vụ và du lịch TP.HCM. Tuy nhiên, với một số hoạt động được công chúng quan tâm rất cần duy trì để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, du khách và để Lễ hội trở thành thương hiệu của TP.HCM.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/le-hoi-song-nuoc-dem-doanh-thu-4250-ty-dong-cho-nganh-dich-vu-du-lich-tphcm-post1101288.vov