Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Soạn thảo Nguyễn Thị Thanh cho biết: Việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND). 

Mục đích của việc xây dựng dự thảo nghị quyết là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Việc xây dựng dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Dự thảo nghị quyết gồm 22 điều, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, giữ nguyên 2 điều, sửa đổi, bổ sung 16 điều và bổ sung 4 điều mới; có 7 phụ lục, trong đó bổ sung 2 phụ lục mới.

Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chờ nghỉ hưu

Dự thảo nghị quyết bổ sung đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký Quốc hội cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW, điều chỉnh một số chức danh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và thực tiễn của việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua. 

Bổ sung một số nội dung trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Để làm rõ thẩm quyền, thời hạn của một số bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, dự thảo nghị quyết đã bổ sung một số nội dung sau:

– Bổ sung về thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và bổ sung quy định về thời gian là chậm nhất 45 ngày để gửi văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo và Bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.

– Bổ sung quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân.

– Bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.

– Sắp xếp, bổ sung quy trình lấy phiếu tín nhiệm trong phiên họp lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở các quy định tương ứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội.

– Sửa đổi quy định về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thống nhất, theo đó, không thảo luận tại hội trường mà chỉ thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và báo cáo kết quả trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Cán bộ có quá nửa đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, theo dự thảo nghị quyết, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

THẢO NGUYÊN