Là một lao động tuổi trung niên, tôi thấu cảm với bao nỗi lo của người lao động độ tuổi như mình trong loạt bài này. Cá nhân tôi vẫn luôn đặt mình trong trạng thái sẵn sàng chuyển đổi. Nhưng mà…
Có không ít người lớn tuổi chọn công việc giao hàng để mưu sinh - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH
Nói thì dễ chứ khi bắt buộc phải thay đổi, ai cũng sẽ tâm tư dù ít hay nhiều, nhất là ở tuổi trung niên.
Vượt sức ỳ ở tuổi trung niên
Rào cản lớn nhất với lao động tuổi trung niên là ngại thay đổi. Cũng khó trách khi có người cả chục năm, thậm chí cả thanh xuân gắn bó, làm việc với một nơi nào đó nên đâu cứ nói đổi là đổi liền được. Nhịp sống, công việc đã quen dần suốt ngần ấy năm, đi vào nếp hẳn cũng cần có khoảng thời gian nhất định để dịch chuyển, tạo thói quen mới.
Chưa kể với lao động có tuổi, cuộc sống gia đình, con cái chi phối khá nhiều. Do vậy, thật lòng mà nói thay đổi có khi chỉ là việc chẳng đặng đừng chứ vui thú gì mà chờ đợi. Thẳng thắn hơn, quả thật có tâm lý đè nặng, sức ỳ khá lớn trong suy nghĩ và cả cách làm của lao động lớn tuổi mà những thử thách hay thử nghiệm không mấy khả quan với họ.
Học thêm được không? Được nhưng làm sao tiếp thu nhanh như trước. Vậy nên sẽ thật vất vả nếu phải học lại một cái hoàn toàn mới, khác với lĩnh vực, công việc bản thân vốn đã quen nhiều năm qua. Cái vòng xem ra có vẻ hơi luẩn quẩn giữa tồn tại và thay đổi, đi và ở.
Nói một cách nào đó, thật phiêu lưu khi phải bước ra khỏi "vùng an toàn" của chính mình. Nên tâm lý cứ từ từ, nghe ngóng và chờ đợi là có thật và rất thực tế với nhóm lao động đã có tuổi. Bởi ở độ tuổi ấy rồi bất cứ điều gì mạo hiểm đều cần phải được suy tính thiệt hơn thật kỹ.
Nhưng tôi đang thay đổi
Nơi tôi làm việc đã bắt đầu có biểu hiện thừa người. Nhiều công việc những năm trước chúng tôi nhận được sự hợp tác từ bên ngoài để cùng làm thì nay thiếu vắng hẳn. Lý giải được cấp trên đưa xuống là kinh tế khó khăn, các đối tác cũng thu hẹp quy mô đơn vị của họ nên giảm bớt các hoạt động hợp tác không thật sự hiệu quả.
Dù chưa đến mức hay nghe ngóng gì tin tức tinh giản hay cắt gọn nhân sự song với không khí làm việc hiện tại, chuyện thu hẹp có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Dẫu rất ngại song bản thân tôi đã nghĩ đến viễn cảnh nghỉ việc, đang tự tìm cho mình hướng đi mới.
Tôi vốn yêu thích sách nên đã nghĩ đến khởi nghiệp tuổi U50 với một địa chỉ sưu tầm và bán sách cũ. Tôi dự định bắt đầu bằng việc bán sách online và khởi động với việc chia sẻ tóm tắt nội dung hay của những cuốn sách tôi từng đọc. Ấy có thể là cuốn sách cũ song biết đâu hữu duyên sẽ gặp được người đang cần tìm. Kế hoạch ấy đang dần rõ nét hơn với tôi thời gian gần đây.
Bạn đọc chia sẻ góc nhìn
Dưới bài viết, bạn đọc DucNguyên cho rằng giải pháp như các nước phát triển, họ có hẳn danh mục các công việc ưu tiên người có tuổi, nếu không tuyển được mới tới người trẻ. Cả chính sách giảm thuế nếu công ty duy trì một lượng lao động gần đến tuổi hưu. Tất cả đều cố gắng duy trì công việc cho người vào độ tuổi dễ bị các doanh nghiệp bỏ rơi.
Bạn đọc tên Giang nói một chuyên gia lâu năm tràn trề kinh nghiệm có thể làm việc bằng vài người trẻ cộng lại. Họ điềm tĩnh, chỉn chu, chất lượng bàn giao cao hơn rất nhiều nhưng có vẻ doanh nghiệp thích sử dụng nhân sự trẻ với chi phí thấp để tối ưu lợi nhuận. "Ai cũng đến tuổi trung niên nên dù bao nhiêu tuổi, làm ở vị trí nào chỉ cần siêng năng, học tập nâng cao năng lực bạn sẽ không phải lo chuyện thất nghiệp", bạn đọc này viết.
Thẳng thắn, một ý kiến khác nói "không nỗ lực liên tục thì trẻ cũng không có việc chứ không phải chỉ có trung niên". Còn bạn đọc Thanh Bình kể mình ở tuổi trung niên, đang bắt đầu khởi nghiệp và mong muốn liên lạc để hợp tác với các bạn tuổi trung niên có nhu cầu khởi nghiệp như mình.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lao-dong-tuoi-trung-nien-muon-thay-doi-nhung-khong-de-20250217233218042.htm
Bình luận (0)