Tại hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH với doanh nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ở TPHCM, trưởng phòng nhân sự một công ty da giày có hàng chục ngàn lao động phản ánh, doanh nghiệp này có nhiều công nhân làm việc ở vị trí nặng nhọc, độc hại.
Tuy nhiên, các chức danh công việc này tại doanh nghiệp chưa có quy định trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (gọi tắt là nghề NN-ĐH-NH) do Bộ LĐ-TB&XH ban hành nên rất thiệt thòi cho người lao động.
Theo quy định, người làm các công việc NN-ĐH-NH được hưởng chế độ ốm đau (thời gian hưởng chế độ dài hơn với mức hưởng cao hơn) và hưu trí (được nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưu quy định) tốt hơn những lao động làm công việc bình thường.
Một doanh nghiệp may mặc ở quận Tân Phú (TPHCM) cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn về giấy tờ khi giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động làm công việc NN-ĐH-NH.
Nguyên nhân là chức danh trước đây của những lao động trên là “công nhân may”. Tên vị trí công việc này trong danh mục nghề, công việc NN-ĐH-NH mới nhất mà Bộ LĐ-TB&XH ban hành tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH là “vận hành máy may công nghiệp”.
Vì chức danh khác nhau mà cơ quan BHXH không giải quyết quyền lợi làm công việc NN-ĐH-NH cho những lao động trên.
Tại chương trình tiếp xúc với cơ quan BHXH, đại diện công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TPHCM) cũng từng phản ánh gặp nhiều khó khăn tương tự.
Công ty này có nhiều công việc được xác định là nặng nhọc, độc hại thuộc ngành da giày, dệt may. Tuy nhiên, tên gọi các vị trí công việc trong công ty không giống hoàn toàn với danh mục mà Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành.
Hiện doanh nghiệp đã điều chỉnh các chức danh cho phù hợp với danh mục nhưng vẫn khó khăn khi giải quyết quyền lợi cho thời gian đóng BHXH trước đó, khi định danh công việc tại công ty không trùng với tên trong danh mục nghề NN-ĐH-NH.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, danh mục nghề, công việc NN-ĐH-NH chỉ mang tính phổ quát. Trong thực tế, các doanh nghiệp có rất nhiều vị trí công việc chi tiết mà danh mục không bao quát hết được.
Do đó, trong quá trình thực hiện quy định, doanh nghiệp gặp khó khăn có thể phản ánh về Bộ LĐ-TB&XH để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế sản xuất.
Theo ông Cường, đối với những trường hợp trước khi Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thì không cần chỉnh sửa. Nếu thời gian tham gia BHXH trước đó của người lao động phù hợp với quy định có hiệu lực tại thời điểm đó thì không cần phải điều chỉnh.
Ông Nguyễn Duy Cường cho rằng, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH không có quy định hồi tố nên người lao động làm các nghề, công việc NN-ĐH-NH trước ngày thông tư này có hiệu lực, phù hợp với quy định có hiệu lực tại thời điểm đó thì vẫn được công nhận.