Trưa 17.10, lãnh đạo Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết nhà trường đang rà soát, xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cơ quan kiểm toán và ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hài hòa, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của sinh viên (SV) đối với khoản thu vượt mức quy định số tiền 37 tỉ đồng.
Lý do khoản thu vượt mức quy định
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết năm 2022 Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động của nhà trường và có kết luận về nội dung thu học phí của SV đối với tín chỉ thực hành.
Về nội dung này, TS Nguyễn Quốc Cường cho biết năm học 2020 – 2021 và 2021 – 2022 nhà trường chưa tự chủ tài chính, kinh phí hoạt động do ngân sách cấp bù nên áp dụng thu theo quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Riêng học phí đối với tín chỉ thực hành, Trường ĐH Thủ Dầu Một xác định bằng 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết để bù đắp chi phí đào tạo; vì chi phí đào tạo thực hành cao hơn đào tạo lý thuyết.
TS Nguyễn Quốc Cường lý giải, theo thông tư của Bộ GD-ĐT (Thông tư 17 năm 2021-PV) quy định về chuẩn chương trình đào tạo thì 1 tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy. Trong khi đó, 1 tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy. Tức chi phí giảng dạy và cơ sở vật chất dạy thực hành gấp 2 lần so với dạy lý thuyết.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo thì khi dạy thực hành phải chia quy mô từ 20 – 25 SV/lớp, trong khi quy mô chuẩn theo thông tư của Bộ GD-ĐT là 40 SV/lớp và quy mô này chỉ phù hợp học lý thuyết. Bên cạnh đó, tín chỉ thực hành thì tiêu hao vật tư thực hành, trong khi mức học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ chỉ quy định chung.
“Do cách hiểu và áp dụng khác nhau đối với các quy định của pháp luật về việc xác định học phí tín chỉ thực hành nên Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nhà trường hoàn trả phần thu này cho SV; trường hợp không hoàn trả được thì nộp ngân sách”, TS Nguyễn Quốc Cường nói.
Khó rà soát lượng sinh viên nên nộp ngân sách
PV Thanh Niên đặt vấn đề vì sao nhà trường không trả lại tiền cho SV mà chọn phương án nộp tiền vào ngân sách? TS Nguyễn Quốc Cường cho biết, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước (ngày 22.12.2022), nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá, bàn các giải pháp thực hiện kết luận kiểm toán và nhận thấy rằng với cách xác định học phí này chỉ ảnh hưởng tới học phí học phần thực hành.
Bên cạnh đó, nhà trường đào tạo đa ngành và mỗi chương trình đào tạo, mỗi môn học có tỷ lệ tín chỉ lý thuyết, thực hành khác nhau; số lượng tín chỉ thực hành của mỗi SV là khác nhau (do SV lựa chọn đăng ký môn học) nên việc rà soát số tiền hoàn trả cho từng SV (khoảng từ 18.000 – 20.000 SV) là khó khả thi và không kịp tiến độ thời gian theo kết luận của kiểm toán (phải thực hiện trước ngày 31.3.2023).
“Do vậy, nhà trường đã nộp ngân sách theo nội dung kết luận kiểm toán để đảm bảo đúng tiến độ thời gian. Sau khi thực hiện xong kết luận, nhà trường có văn bản báo cáo với cơ quan kiểm toán và các cơ quan chuyên môn”, TS Nguyễn Quốc Cường cho hay.
Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, hiện nhà trường tiếp tục thực hiện việc rà soát, xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cơ quan kiểm toán và xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hài hòa, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của SV.
Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh Trường ĐH Thủ Dầu Một thu sai quy định của SV với số tiền 37 tỉ đồng, nhưng nhà trường chọn phương án nộp vào ngân sách, thay vì hoàn trả cho SV.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lanh-dao-truong-dh-thu-dau-mot-noi-gi-ve-khoan-thu-sai-tren-37-ti-dong-185241017123032098.htm