Trong làn sóng phát triển của công nghệ AI, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực. Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, đạt được thành tựu đáng khích lệ. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.
Phát biểu tại Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra vào hôm nay (18.3), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.
“Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. Tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030″ – Thứ trưởng nói.
Cũng trong sự kiện, TS Rafael Frankel – Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta – chia sẻ: “Trong tương lai, tôi nghĩ Việt Nam sẽ trở thành một con rồng về trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo ở cả khu vực Đông Nam Á“.
Theo lãnh đạo từ Meta, bên cạnh những chính sách của Chính phủ, Việt Nam đã có những sự quyết tâm, tinh thần khởi nghiệp cao để phát triển công nghệ. Tuy nhiên Việt Nam cũng cần duy trì tư duy cởi mở, cần tiếp tục là một nơi để các đối tác nước ngoài mong muốn đến đây hợp tác.
“Điều quan trọng hiện tại là yếu tố Wifi 6G, đây là yếu tố bắt buộc để có thể phát triển nền tảng công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong tương lai” – ông Rafael Frankel nói thêm.
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) chinh phục thị trường toàn cầu”. Đây sẽ là một sân chơi trí tuệ, hội tụ các nguồn lực để cùng hợp tác, tạo ra những ý tưởng đột phá.
Chương trình hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và AI.