Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Guardian được công bố ngày 11.3, Tổng giám đốc Guillaume Faury của Airbus, công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu, nói ngành công nghiệp quốc phòng của châu lục này đang đứng ở “thời điểm quyết định”, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ ba.
Theo ông Faury, các quốc gia châu Âu đã phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về an ninh và trang thiết bị, cũng như trở nên “dưới mức quan trọng” trong các lĩnh vực quốc phòng then chốt. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và Anh “cùng nỗ lực” và hợp nhất các chương trình máy bay chiến đấu vốn cạnh tranh với nhau.
Cảnh báo của ông Faury xuất hiện giữa lúc giới chức Nga liên tục có những lời lẽ mang tính đe dọa. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã cảnh báo các nước NATO rằng có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu phương Tây đưa quân tới Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh không loại trừ khả năng này.
“Tôi không nghĩ châu Âu thực sự đã có được mức độ chuẩn bị cần thiết cho một cuộc xung đột giữa châu Âu và Nga. Có sao nói vậy thôi. Và có vẻ như Nga đang tăng cường khả năng phòng thủ”, ông Faury đánh giá.
“Chúng ta hiện đã cách xa Thế chiến 2 gần 80 năm, với một hệ thống khác được thiết kế chủ yếu để ngăn chặn người khác tấn công chứ không thực sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột. Nếu chúng ta muốn sẵn sàng cho việc can dự và những cuộc xung đột có thể xảy ra ở những mức độ khác nhau, thì chúng ta cần phải tăng tốc”, Tổng giám đốc Airbus nói.
Ông Faury, cựu phi công thử nghiệm trực thăng quân sự và trở thành Tổng giám đốc Airbus vào năm 2019, cho biết những cảnh báo của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi NATO nên được xem là lời cảnh tỉnh đối với châu Âu về cả vấn đề an ninh và sự sẵn sàng của kho vũ khí. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và gần đây cho biết ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các thành viên NATO mà ông cho là “không đủ khả năng tài chính”.
Trong những thập niên gần đây, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào phần cứng của Mỹ, góp phần làm suy yếu nền tảng công nghiệp của chính mình. Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin được các quốc gia bao gồm Anh, Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan sử dụng. Boeing cung cấp cho Anh các máy bay trực thăng Apache và Chinook, máy bay vận tải hạng nặng C-17, máy bay do thám P-8 và máy bay canh gác E-7, tất cả đều được sản xuất tại Mỹ.
Ông Faury cho rằng việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu của châu Âu không được lặp lại sai lầm trong quá khứ, khi các nguồn lực được chia cho 3 mẫu máy bay cạnh tranh với nhau: Eurofighter (đa quốc gia), Gripen của Thụy Điển và Rafale của Pháp. Ông cho biết số đơn đặt hàng của châu Âu mua F-35 đã vượt quá số đơn đặt hàng mua Eurofighter và Rafale cộng lại.
Anh, Nhật Bản và Ý đang hợp tác để chế tạo một loại máy bay chiến đấu mới có tên Tempest, với sự tham gia của nhà sản xuất xe tăng và máy bay phản lực BAE Systems, nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce, nhà sản xuất máy bay trực thăng và hệ thống Leonardo, cũng như nhà sản xuất tên lửa MBDA. Trong khi đó, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang phát triển Hệ thống chiến đấu trên không tương lai (FCAS) có sự tham gia của Airbus và Dassault (nhà sản xuất Rafale).
“Rõ ràng là chúng ta cần tìm cách tập hợp những nỗ lực của mình với tư cách toàn thể châu Âu để có được năng lực vượt trội về hệ thống vũ khí. Liệu có hợp lý không khi chúng ta không hợp tác vì an ninh và quốc phòng, với mức độ bất an mà chúng ta thấy ở biên giới châu Âu? Không, tôi nghĩ không có lựa chọn nào khác”, ông Faury nói.