Baoquocte.vn. Trong chuyến thăm cách đây 65 năm, Bác Hồ đã nhắn nhủ: Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào ngày 20/2/1959. Trong hồi ức của nhiều người dân, với bộ quần áo kaki giản dị cùng đôi dép lốp, Người đã đến tận nơi thăm một số gia đình, ân cần thăm hỏi đời sống của bà con.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với bà con xã viên Bát Tràng ngày 20/02/1959. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Ấn tượng từ chuyến thăm lịch sử
Nói chuyện với nhân dân Bát Tràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ hoan nghênh nhân dân Bát Tràng đã góp phần xây dựng công trình đại thủy nông Bắc- Hưng- Hải.
Người biểu dương nhân dân và nhắc nhở xã viên cần chú ý đến đường sá, giao thông, trồng cây để cải tạo môi trường.
Dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hợp tác xã gốm Minh Châu do ông Phùng Ngọc Oanh làm Chủ nhiệm (sau này là một phân xưởng của gốm sứ Bát Tràng).
Theo lời kể của ông Vũ Văn Vinh – xã viên nhỏ tuổi nhất được gặp Bác lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng lại xem ông in bát thủ công. Bác còn hỏi han và động viên ông cố gắng học tập và lao động tốt để trở thành thợ giỏi làm ra nhiều sản phẩm tốt hơn. Tiếp đó, Người ra sân Hợp tác xã nói chuyện với bà con xã viên.
Tại buối nói chuyện, Người căn dặn: “Phải quan tâm giữ gìn và phát huy truyền thống nghề nghiệp, nay làm hàng sành sứ dân dùng, còn phải làm cả hàng sành sứ mỹ nghệ xuất khẩu nữa”.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các xã viên Hợp tác xã Minh Châu đã có nhiều cải tiến trong sản xuất thủ công gốm sứ truyền thống. Nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi đang phát huy truyền thống của làng nghề cổ truyền ghi tiếp những trang sử hào hùng của xã Bát Tràng.
65 năm trôi qua, ông Vũ Văn Vinh vẫn luôn khắc ghi lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt quá trình lao động sản xuất, ông luôn cố gắng rèn luyện, xây dựng quê hương gắn với các phong trào thi đua Hợp tác xã và Xí nghiệp Sứ Bát Tràng như: “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm”, “mỗi người làm việc bằng hai”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xã viên trẻ Vũ Văn Vinh in bát thủ công. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Trong gia đình, ông luôn khuyên dạy các con, cháu học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, phát huy truyền thống làng nghề. Hiện nay, ba người con trai ông Vinh đều nối nghiệp cha, có lò gốm, phụ trách doanh nghiệp gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Lưu giữ “Hồn của đất”
Có thể thấy, lời dạy của Bác mãi là nguồn động lực cổ vũ các thế hệ cán bộ, nhân dân Bát Tràng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết xây dựng, phát triển thương hiệu “Gốm Bát Tràng” nổi tiếng trong và ngoài nước, trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội và cả nước,
Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bát Tràng (1959-2024), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Hồn của đất”
TS. Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết triển lãm này là hoạt động trưng bày có tính cộng đồng, giúp cho doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân được tham gia và kể câu chuyện của chính mình.
Khai mạc triển lãm “Hồn của đất” tại Làng gốm Bát Tràng ngày 8/10. (Ảnh: Hà Anh) |
Với hơn 300 tư liệu hình ảnh, sưu tập tác phẩm tranh, bình sứ, cùng tác phẩm nghệ thuật gốm sứ đa dạng loại hình và màu sắc, triển lãm giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang nội dung, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, của các họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, cùng với những sản phẩm gốm, sứ tiêu biểu Bát Tràng do các nghệ nhân sáng tạo.
Các tác phẩm gốm sứ trưng bày tại triển lãm đều mang những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật cao, thể hiện tình yêu với Bác Hồ, Thủ đô Hà Nội và Tổ quốc, giúp công chúng trong và ngoài nước thêm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc…
Triển lãm gồm ba phần nội dung: “Bác Hồ về thăm Bát Tràng và sưu tập tác phẩm sứ về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Sưu tập tác phẩm sứ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô” và “Giới thiệu các tác phẩm gốm sứ giá trị mỹ nghệ cao cấp”.
Đáng chú ý, triển lãm giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu như tranh sứ sự kiện lịch sử 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, sưu tập bình sứ các địa danh nổi tiếng của Hà Nội: Cầu Long Biên, Cầu Thê Húc, Chùa Một cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Triển lãm “Hồn của đất” sẽ kéo dài đến hết tháng 10/2024. (Ảnh: Hà Anh) |
Đặc biệt là tác phẩm “Hà Nội tứ quý” – lưu giữ cảnh sắc 4 mùa của Hà Nội trong 1 chiếc bảo bình… giúp công chúng thấy được một Thủ đô Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến, hào hùng, bất khuất, cũng như một Thủ đô Hà Nội đẹp thanh lịch, trang nhã và gần gũi.
Bên cạnh đó, các tác phẩm nghệ thuật cũng truyền tải thông điệp về hòa bình, truyền thống văn hóa dân tộc, tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước… mà các thế hệ nghệ sĩ, nhà điêu khắc mong muốn, khát vọng, gửi gắm đến các thế hệ trẻ mai sau.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lang-gom-bat-trang-va-ky-niem-sau-dam-voi-bac-ho-289556.html