Lần đầu tiên Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận (TP.HCM) tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cha mẹ học sinh năm học 2023-2024 vào ngày 14.10.
Tập trung đề xuất cải tạo cơ sở vật chất
Trong buổi đối thoại, nhiều phụ huynh học sinh trường mầm non, tiểu học, THCS chia sẻ những ý kiến về cơ sở vật chất trường, lớp cùng mong muốn trong việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trường lớp, trang thiết bị hỗ trợ tốt hơn việc học của con ở trường.
Chị Nguyễn Thị Hương, đại diện phụ huynh học sinh Trường mầm non Sơn Ca 3, chia sẻ hiện nay cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp, ban đại diện cha mẹ học sinh trường rất mong muốn được đồng hành cùng nhà trường để cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Thế nhưng, theo phụ huynh này, khi ban đại diện cha mẹ học sinh chia sẻ vấn đề này thì nhà trường cho biết năm nay do vướng một số quy định nên trường ngưng nhận tài trợ trong vấn đề cải tạo xây dựng nhà trường.
Tương tự, chị Thái Thùy Anh, phụ huynh học sinh lớp 6/1 Trường THCS Đào Duy Anh, cho biết phụ huynh học sinh mong muốn trang bị ti vi, máy lạnh cho lớp. Đề nghị phòng GD-ĐT sớm phê duyệt kế hoạch để phụ huynh kịp thời hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh.
Còn một phụ huynh học sinh đại diện cho Trường tiểu học Chí Linh thì chỉ ra tình trạng nhà vệ sinh trường này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong buổi đối thoại này, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận thống kê có tổng số 11 ý kiến chủ yếu đề cập đến các nội dung như đề xuất cải tạo cơ sở vật chất, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, chế độ đãi ngộ cho giáo viên…
Phụ huynh học sinh giám sát là việc làm cần thiết với nhà trường
Trong buổi đối thoại, bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM, đề nghị phụ huynh hãy thẳng thắn chia sẻ với giáo viên những khó khăn của con em để cùng thống nhất biện pháp giáo dục. Đồng thời, trước những ý kiến về hoạt động giáo dục, nhà trường cần kịp thời phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu để cùng ngồi lại tháo gỡ bởi sự giám sát của phụ huynh với hoạt động giáo dục nhà trường là hết sức cần thiết, quan trọng.
Những vướng mắc không thể xây dựng mới trường lớp
Sau những ý kiến của phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Q.Phú Nhuận, cho biết việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp là mối quan tâm hàng đầu của quận. Quan tâm của phụ huynh về cơ sở vật chất trường lớp là quan tâm chính đáng. Đây cũng là ưu tiên trước mắt của lãnh đạo quận.
Ông Minh nhấn mạnh, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, quận đề xuất sử dụng toàn bộ từ nguồn vốn ngân sách thành phố, đảm bảo sửa chữa nhỏ. Toàn quận có đề xuất 34 dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua. Trong số đó có 10 dự án liên quan đến xây dựng, nâng cấp, cải tạo trường lớp (6 dự án xây dựng mới, 4 dự án sửa chữa nâng cấp) với nguồn vốn khoảng 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể 6 dự án xây dựng mới bao gồm: Trường tiểu học Độc Lập, Trung Nhất, Lê Đình Chinh, Trường mầm non Sơn ca 3 và 2 cơ sở Trường mầm non Sơn ca 9. Tuy nhiên, hiện nay có một cái vướng không thể xây dựng mới trường lớp.
Lãnh đạo Phòng Kế hoạch tài chính Q.Phú Nhuận cho hay, Trường tiểu học Độc Lập xây dựng từ năm 1967 hiện nay đã xuống cấp, quận có kế hoạch xây dựng mới với tổng số vốn đầu tư là 114 tỉ đồng. Thế nhưng theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT về chuẩn tối thiểu là 8 m2/học sinh và với diện tích hiện có của trường là 3.174 m2 thì chỉ tương đương với 396 học sinh, trong khi trường đang có 1.200 học sinh theo học. Như vậy, khi xây dựng mới thì 2/3 số học sinh đi đâu? Đây là khó khăn đang gặp phải.
Vì vậy, ông Minh cho hay, quận đã trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, cơ bản thống nhất xin hủy dự án xây mới Trường tiểu học Độc Lập, chuyển qua sửa chữa. Tương tự với Trường tiểu học Trung Nhất hay các dự án xây mới khác.
Tài trợ của phụ huynh học sinh phải thực hiện theo đúng quy định
Về những đề xuất liên quan đến việc tài trợ, trang bị cho trường lớp, bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, chỉ rõ theo Điều 11, Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT, về việc tài trợ cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch tài trợ của cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, đảm bảo nhiệm vụ triển khai năm học. Theo quy định này, nếu các trường có kế hoạch tài trợ, triển khai theo đúng quy định thì trường sẽ phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch gửi lên phòng giáo dục để xem xét phê duyệt.
Tuy vậy, bà Bình nhấn mạnh: “Một ngôi trường khang trang, sạch đẹp ngoài kinh phí ngân sách nhà nước thì chắc chắn cần xã hội hóa. Do đó, sự chung tay, đồng hành của phụ huynh là hết quan trọng, giúp nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động, cơ sở vật chất tốt… Tuy nhiên, khi phụ huynh tài trợ cần thực hiện đúng theo quy định”.