Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được xem là thủ phủ của cây trám đen. Nơi tập trung nhiều nhất là ở các xã Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Bằng, Kim Hoa, Sơn Tiến. Tại đây, mỗi nhà đều trồng 1-15 cây trám. Những gốc cây đều có tuổi đời hàng chục năm.
Trám đen có tên khoa học Canarium, là cây gỗ lớn bản địa có chiều cao 20-30m, đường kính ngang ngực 40-50cm; thân tròn thẳng, phân cành cao; tán dày, rộng, là cây thường xanh.
Quả trám đen mọc trên các cành nhỏ của cây. Loại quả này có hình thoi, 2 đầu nhọn, lúc non có màu trắng, khi chín ngả màu đen, tím thẫm. Trước kia, người dân địa phương trồng trám chỉ để lấy gỗ, quả chỉ sử dụng làm món ăn dân dã.
Đến những năm gần đây, quả trám được săn lùng như đặc sản. Người dân miền núi từ đó có thêm thu nhập với loại cây vườn nhà này.
Mùa thu hoạch trám bắt đầu từ tháng 7 đến khoảng tháng 9 âm lịch. Vào đầu mùa, thương lái đến tận vườn, đặt mua cả cây. Sau khi đánh giá số lượng quả trên cây, thương lái sẽ xuống giá, chốt tiền.
Một buổi sáng cuối tháng 8, chị Đặng Thị Khánh Ly (đứng bên trái, 33 tuổi, trú xã Sơn Ninh, Hương Sơn) đến vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (48 tuổi, thôn Kim Thủy, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) để thu hoạch trám.
Gia đình bà Hoa có một cây trám trên 20 năm tuổi, cao khoảng 25m. Chị Ly trước đó đã đặt tiền, trả cho bà Hoa 5,7 triệu đồng để mua toàn bộ quả trên cây trám này.
Ông Phạm Thành Lương (46 tuổi, trú xã Sơn Ninh) được chị Khánh Ly thuê leo lên cây hái quả trám với tiền công 800.000 đồng/ngày. Người đàn ông này đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc hái trám.
Để làm việc trên cây hàng giờ đồng hồ, ông Lương dùng dây đeo thắt lưng buộc vào cây để đảm bảo an toàn. Dây thừng được cột từ cành này qua cành kia để ông có điểm tựa khi di chuyển, lộn từ cành này qua tán khác.
Đứng trên những cành cây vươn cao hơn 20m, ông Lương dùng sào tre dài hơn 6m có gắn liềm, giật mạnh từng cành để quả trám rụng xuống đất đã trải sẵn bạt để hứng.
“Làm công việc này rất vất vả và nguy hiểm, đòi hỏi phải có sức khỏe, sự dẻo dai và kinh nghiệm”, ông Lương chia sẻ.
Khi khát nước, ông Lương gọi và thả dây thừng từ trên cây xuống. Người phía dưới cột chai nước để tiếp tế cho người thợ.
Xung quanh cây trám, người đi thu hoạch trải nhiều tấm bạt lớn để hứng quả rơi xuống, tránh bị dập, hỏng.
Mùa thu hoạch trám cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. Mỗi người được thương lái trả 200.000 đồng cho mỗi buổi đi gom trám thuê.
Trám sau khi gom được dồn vào bao tải, chuyển về. Quả trám tươi năm nay có giá dao động 90.000-120.000 đồng/kg, tùy loại to, nhỏ.
“Một cây ước tính thu hoạch được 1 tạ quả. Mùa này, tôi dự kiến gom mua hơn 5 tấn trám. Sau khi mang về chế biến, đóng gói, tôi đem bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mặt hàng này rất được ưa chuộng, đắt khách, không phải lo về sức tiêu thụ”, chị Khánh Ly chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, để chế biến trám thành món ăn ngon, quả trước tiên phải được om trong nước nóng có nhiệt độ khoảng 70 độ C. Sau thời gian ngâm ủ khoảng 20 phút, thịt trám mềm ra, dễ bóc lớp vỏ mỏng và tách hạt, khi ăn cho thêm chút gia vị.
Trám có vị thơm đặc trưng, béo, bùi, bổ dưỡng. Loại quả này được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như kho với thịt heo, muối, làm xôi trám, xào cùng nhộng ong…