Việc buộc giáo viên phải dạy thêm thông qua các trung tâm có thể giúp dễ dàng kiểm soát hoạt động này hơn, nhưng lại làm phát sinh một loạt vấn đề khác.
Học sinh học thêm tại một điểm dạy thêm trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thông tư mới về dạy thêm của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Phải học thêm vì chương trình nặng?
Thật ra đối với không ít phụ huynh và học sinh, nhu cầu học thêm không chỉ là tăng cường cung cấp kiến thức, mà còn là sự lựa chọn giáo viên họ yêu thích về cách thức giảng dạy.
Nếu nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy quy định mới dường như đang hạn chế phần nào quyền chọn lựa đó, hoặc có khi đang gây phức tạp cho quản lý giáo dục.
Thực tế, việc dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một phần "không thể thiếu" trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Dù muốn hay không, nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh là rất lớn, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục ngày càng nặng, bên cạnh áp lực thi cử luôn căng thẳng.
Bộ ban hành thông tư mới nhằm siết chặt hoạt động dạy thêm với mục tiêu đưa việc dạy thêm vào khuôn khổ, đảm bảo minh bạch, công bằng và tránh tiêu cực là cần thiết.
Quy định giáo viên không dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh chính khóa xuất phát từ thực trạng lâu nay.
Nhiều giáo viên ép buộc học sinh chính khóa phải theo học lớp dạy thêm môn của mình để đạt điểm số cao hơn hoặc tiếp cận nội dung mở rộng. Cách làm này không chỉ gây áp lực lên học sinh mà còn làm méo mó mục tiêu giáo dục.
Do đó, việc quản lý chặt chẽ nhằm tránh lạm dụng o ép học sinh là xác đáng.
Tuy nhiên, dạy thêm không hoàn toàn là tiêu cực. Nếu việc học thêm diễn ra một cách tự nguyện, có tổ chức hợp lý, đó là nhu cầu chính đáng của học sinh và là nguồn thu nhập quan trọng của giáo viên.
Việc buộc giáo viên phải dạy thêm thông qua các trung tâm có thể giúp Nhà nước dễ dàng kiểm soát hoạt động này hơn, nhưng lại làm phát sinh một loạt vấn đề khác.
Không phải địa phương nào cũng có đủ hệ thống trung tâm dạy thêm đạt chuẩn, đặc biệt ở những khu vực xa trung tâm thành phố. Dẫn đến việc học sinh và phụ huynh bị hạn chế trong việc lựa chọn giáo viên phù hợp, làm giảm tính linh hoạt trong giáo dục.
Hơn nữa, mức học phí tại các trung tâm thường cao hơn so với học thêm trực tiếp với giáo viên, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn tài chính.
Một trong những điểm đáng lo ngại nhất của quy định mới là nó hạn chế đáng kể quyền tự do giảng dạy của giáo viên. Dạy thêm không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập, mà còn là cơ hội để giáo viên nâng cao chuyên môn và hỗ trợ những học sinh cần bổ sung kiến thức.
Khi buộc giáo viên phải vào trung tâm, họ sẽ mất đi tính chủ động trong việc giảng dạy. Ngoài ra, nhiều giáo viên có năng lực nhưng không muốn làm việc trong môi trường trung tâm sẽ mất đi cơ hội giảng dạy, trong khi phụ huynh lại không thể lựa chọn giáo viên phù hợp nhất với con mình.
Học thêm không chỉ là việc tiếp thu kiến thức, mà còn liên quan đến phương pháp giảng dạy, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Khi bị bó buộc vào một hệ thống trung tâm duy nhất, học sinh có thể không tìm được giáo viên phù hợp với phương pháp học tập của mình. Đây là một bất cập lớn mà quy định mới cần xem xét để điều chỉnh.
Cách nào minh bạch đăng ký dạy thêm?
Thay vì cấm hoàn toàn việc dạy thêm ngoài nhà trường, giải pháp khả thi hơn có thể là thiết lập một hệ thống quản lý minh bạch, cho phép giáo viên đăng ký dạy thêm bên ngoài nhưng phải tuân thủ một số điều kiện nhất định.
Ví dụ, có thể yêu cầu giáo viên báo cáo danh sách học sinh, đảm bảo không trùng lặp với lớp học chính khóa để tránh tiêu cực.
Đồng thời có thể áp dụng hình thức cấp phép cho giáo viên dạy thêm ngoài trường, đảm bảo những người đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp có thể tiếp tục giảng dạy.
Bên cạnh đó, chất lượng giảng dạy chính khóa cũng cần được nâng cao để giảm bớt nhu cầu học thêm không cần thiết.
Nếu chương trình học được thiết kế hợp lý, thời lượng học tập phù hợp và giáo viên có đủ thời gian hướng dẫn trên lớp, học sinh sẽ không cần phải học thêm quá nhiều.
Đồng thời, các trường có thể tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí hoặc thu phí hợp lý, giúp học sinh có thêm cơ hội củng cố kiến thức mà không cần tìm đến các lớp học thêm bên ngoài.
Nếu bắt buộc phải thông qua các trung tâm dạy thêm thì cần có chính sách hợp lý để đảm bảo mức phí không quá cao và giáo viên có thu nhập tương xứng. Việc mở rộng mạng lưới trung tâm dạy thêm đến các khu vực xa trung tâm cũng là điều cần thiết để tránh tình trạng học sinh không có nơi học phù hợp.
Dạy, học thêm là nhu cầu thực tế và không thể bị loại bỏ hoàn toàn. Trong khi việc quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tiêu cực là điều cần thiết thì cũng cần phải có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Một chính sách cứng nhắc có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thay vì cấm đoán tuyệt đối, việc xây dựng một hệ thống quản lý linh hoạt, kết hợp giữa kiểm soát và tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh mới là hướng đi hợp lý hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-sao-de-hai-hoa-giua-quan-ly-va-thuc-te-day-them-hoc-them-20250209165923401.htm
Bình luận (0)