ĐẦU TƯ GIÁO DỤC MẦM NON RẤT KHÓ
Cô Kiều Mỹ Chi, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non phát triển nhiều. Một số trường, lớp mầm non cũng đăng tải thông tin, giới thiệu cho các phụ huynh biết… tuy nhiên tuyển sinh chưa được như dự kiến.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đầu tư lĩnh vực giáo dục mầm non rất khó, không đơn giản, các nhà đầu tư không nên đầu tư dàn trải, không phải thấy chỗ nào có mặt bằng rẻ rồi thuê mở trường/nhóm lớp được, mà phải khảo sát mật độ dân cư, tỷ lệ trẻ em đến lớp, các trường/lớp đã có ở lân cận…, nếu không sẽ rất khó tuyển sinh. Bà Điệp cho biết Phòng Giáo dục mầm non tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị để đề xuất các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, để tiếp tục có thêm nhiều đơn vị, giáo viên (GV), trẻ em được thụ hưởng từ Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP.HCM.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TINH GỌN MÔ HÌNH
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, anh T.M, chủ trường mầm non tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng các trường mầm non tư thục phải tự cứu mình bằng cách nâng cao chất lượng chăm sóc và dạy dỗ, cải thiện sản phẩm. Cụ thể như cung cấp dịch vụ giữ trẻ vào thứ bảy, xây dựng chương trình học hấp dẫn hơn, tăng chất lượng làm quen tiếng Anh với GV nước ngoài, giữ sĩ số lớp vừa phải… để cạnh tranh hiệu quả với các trường khác.
Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education & Consulting, đơn vị chuyên về tư vấn cho các tổ chức giáo dục, phân tích hiện đang có sự chuyển dịch mô hình hoạt động của mầm non tư thục. Các trường lớn, ở các quận trung tâm cần chi phí lớn để vận hành (do chi phí thuê mặt bằng lớn), trong khi trẻ em ít, tuyển sinh khó khăn hơn. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ hơn như lớp mầm non (đảm bảo quy định của Thông tư 49 Bộ GD-ĐT) ở các quận, huyện có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao hơn như Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân, TP.Thủ Đức… thì vẫn đang hoạt động khá ổn, tuyển sinh đều. Chi phí vận hành của các đơn vị này sẽ thấp hơn các trường lớn.
“Tôi nhận thấy khi con ở trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thì xu hướng hiện nay của phụ huynh là muốn gửi con ở những cơ sở mầm non gần nhà, ngay trong khu dân cư, chung cư mình sinh sống để tiện đưa – đón đi học hằng ngày. Phụ huynh không đòi hỏi phải là trường mầm non lớn, nổi tiếng, mà chỉ cần những lớp mầm non đảm bảo quy định pháp luật, sạch sẽ, an toàn, sĩ số không quá đông, để các em được chăm chút kỹ lưỡng bởi các GV, người chăm sóc có chuyên môn, đạo đức tốt”, cô Uyên Phương nói.
“Tôi đi châu Âu thì thấy ở những nước có tỷ lệ sinh cực kỳ thấp, các cơ sở giáo dục mầm non của họ cũng rất nhỏ – có thể gọi là “micro school”, với tầm 30-40 trẻ, nhưng điều kiện chăm sóc trẻ rất tốt, các GV tâm huyết, chăm sóc chuyên biệt cho các em. Do đó chủ đầu tư trong lĩnh vực mầm non ở TP.HCM cần chú ý trong khảo sát vị trí địa lý để mở trường, nên tinh gọn mô hình, chú trọng chăm sóc chuyên biệt để thích ứng trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, cô Uyên Phương cho biết thêm.
NHỮNG MONG CHỜ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ MẦM NON TƯ THỤC
Nhà đầu tư mầm non mong mỏi và kỳ vọng được tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng chi phí lớn nhất hằng năm hiện nay để vận hành trường, lớp mầm non tư thục là chi phí thuê mặt bằng. “Rất mong các nhà đầu tư giáo dục khi mở trường/lớp được ưu đãi trong giá thuê đất, để được san sẻ trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này”.
Chị N.P, một chủ đầu tư lĩnh vực giáo dục, cho biết quy trình thẩm định, cấp phép cho một lớp mầm non theo Thông tư 49 Bộ GD-ĐT đòi hỏi phức tạp, cần được các cơ quan, ban ngành địa phương hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể. Tại TP.HCM tỷ lệ sinh thấp, nhiều chủ đầu tư lĩnh vực giáo dục lo lắng vài năm tới tuyển sinh sẽ càng khó khăn hơn, vì vậy cần nghiên cứu, có những chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non tư thục tại TP.HCM.
Chủ đầu tư này cũng cho rằng thời gian qua nhiều chủ trường/lớp mầm non “hụt hơi” không chỉ vì cạn vốn mà còn vì chất lượng nhân sự mầm non trồi sụt. Nhân sự “nhảy việc”, nghỉ việc nhiều do những áp lực, stress lớn trong nghề. Do đó, chị mong có những chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho GV mầm non ngoài công lập.
“Nhiều GV mầm non tư thục bị phụ huynh “canh” camera. Chưa kể ở mầm non tư thục, phụ huynh đòi hỏi, mong đợi nhiều hơn ở GV. Trong khi thu nhập của GV mầm non tư thục ở VN còn thiệt thòi. Nhiều người chịu không nổi đã nghỉ việc”, chị N.P bộc bạch.
Nhà giáo Hồ Thị Thương, chủ trường mầm non Kim Đồng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cũng cho biết rất mong được chính sách hỗ trợ, giảm tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh khó khăn nói chung, để các chủ lớp/chủ trường có động lực tiếp tục gắn bó với mầm non tư thục. Theo bà Thương, khi giáo dục mầm non có sự phát triển đa dạng ở cả khối công lập, ngoài công lập thì phụ huynh, người học có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng sản phẩm. Mỗi loại hình giáo dục có những ưu điểm riêng. Như mầm non độc lập, tư thục có thể đón trẻ sớm hơn, giữ trẻ giúp phụ huynh trễ hơn trong ngày, có thể trông trẻ ngày thứ bảy, ngày lễ… theo nhu cầu của phụ huynh, chăm sóc trẻ chuyên biệt, tuyển sinh quanh năm để phụ huynh có thể gửi trẻ, yên tâm làm việc…
Cần ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT
Báo cáo hồi tháng 7.2024 của Sở GD-ĐT TP.HCM về thực trạng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn TP gửi lên Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, cho thấy, căn cứ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP.HCM đã được triển khai, tiếp sức cho mầm non ngoài công lập.
Từ năm học 2021-2022 đến cuối năm học 2023-2024, có 37 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hưởng trợ cấp số tiền là 1.040.000.000 đồng; 15.735 trẻ được hưởng trợ cấp số tiền là 12.602.050.720 đồng; 492 GV được hưởng trợ cấp số tiền 2.622.400.000 đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhìn nhận, số lượng trẻ, GV và các cơ sở giáo dục mầm non độc lập được nhận hỗ trợ từ nghị quyết này chưa nhiều. Các lý do chính là không đảm bảo tiêu chuẩn 30% số trẻ trong nhóm/lớp là con công nhân; đội ngũ GV có trình độ trung học sư phạm mầm non, chưa đáp ứng chuẩn đào tạo…
Do đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất với Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, điều chỉnh giảm tiêu chí tỷ lệ trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hưởng chính sách tại cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ GV mầm non thuộc loại hình tư thục (từ 30% xuống 20%).
Đồng thời, để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề xuất cần ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư như: hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục… Cần có quy định không yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập…
Nguồn: https://thanhnien.vn/mam-non-tu-thuc-hut-hoi-lam-sao-de-but-pha-185240924182718951.htm