Các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại hồ Hoàn Kiếm đã giảm
Tại phiên họp giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, ngày 14/6, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đã đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho biết công tác rà soát các quy chế liên quan tới việc cấp phép tổ chức sự kiện, hoạt động ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn khi cấp phép để minh bạch công khai.
Theo phản ánh của cử tri quận Hoàn Kiếm, việc tổ chức các sự kiện này trong thời gian qua chồng chéo, âm thanh lớn, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn trật tự nên không phù hợp với không gian của khu vực này. Cử tri đề nghị rà soát lại quy định về việc tổ chức cấp phép ở khu vực này và đề nghị cho phép quận Hoàn Kiếm cấp phép với một số sự kiện phù hợp.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, thời điểm sau khi dịch Covid-19 được khống chế đã có nhiều hoạt động được tổ chức (năm 2023 tổ chức 2.328 sự kiện). Việc tổ chức các sự kiện này đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP của thành phố. Theo thống kê cho thấy, dịch vụ thương mại, du lịch văn hoá chiếm tới 65,7% GDP của TP.
Sau khi có sự việc báo chí đưa, cử tri quận Hoàn Kiếm có ý kiến về việc tổ chức các sự kiện với âm thanh lớn, ảnh hưởng tới không gian hồ Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa – Thể thao đã tham mưu cho Ban cán sự UBND TP sửa đổi Quy chế hoạt động xung quanh hồ Gươm. Được sự phân công của Ban cán sự UBND TP, đến nay, đến nay Sở Văn hóa – Thể thao đã hoàn thiện xong và trình UBND TP ban quy chế này, trong đó phân cấp việc giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa – Thể thao cũng như quận Hoàn Kiếm đã rõ ràng, minh bạch. Nếu như quận Hoàn Kiếm đủ điều kiện thì Sở sẵn sàng ủy quyền cho quận cấp phép tổ chức sự kiện – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao nêu rõ.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, đến nay các hoạt động ở không gian đi bộ đã được hạn chế rất nhiều, chủ yếu duy trì các hoạt động văn hoá nghệ thuật chứ không còn nhiều hoạt động thể thao – trừ trường hợp đặc biệt được UBND TP cho ý kiến chỉ đạo gắn với sự phát triển của TP.
Việc khai thác thiết chế văn hóa, thể thao tại tổ dân phố ra sao?
Chuyển kiến nghị của cử tri huyện Gia Lâm về việc địa điểm cách mạng ở xã Phú Thị được công nhận từ năm 2021 đến nay nhưng chưa được gắn biển, đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao rà soát quy trình và có thời gian gắn biển cụ thể.
Đồng thời, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP cũng đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho biết đã kết quả tham mưu UBND TP trong việc khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Trả lời các nội dung này, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, đơn vị đã có kế hoạch tổng hợp trên toàn TP về các điểm di tích cách mạng được công nhận và chờ gắn biển. Trong đợt này có 10 quận, huyện được gắn biển di tích cách mạng vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô với tổng số 32 biển (trong đó huyện Gia Lâm có 3 biển). Trong tháng 9/2024 sẽ hoàn thành việc gắn biển các địa điểm di tích cách mạng này.
Đối với việc khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao, theo ông Đỗ Đình Hồng, một số quận huyện đề nghị quản lý sử dụng thiết chế văn hoá để tổ chức đám cưới, hợp đồng hợp tác. Nội dung này thuộc về quy định sử dụng tài sản công, hiện chúng ta chưa đủ thẩm quyền mà phải chờ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. Vì vậy, Sở Văn hóa – Thể thao xây dựng phương án theo hướng tiếp cận với Luật Thủ đô (sửa đổi) để khi Quốc hội bấm nút thông qua sẽ trình UBND TP ứng xử với tài sản công là thiết chế nhà văn hoá thôn, xã, thị trấn.
Giữ nguyên quy hoạch trường học
Đối với lĩnh vực giáo dục, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội gửi tới Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Tài chính kiến nghị của cử tri thị xã Sơn Tây: Trường THPT thị xã Sơn Tây được đầu tư cơ sở mới và đi vào hoạt động từ năm 2017. Thị xã đề nghị TP bàn giao cơ sở cũ cho thị xã quản lý để đầu tư thiết chế văn hóa, xã hội hoặc các công trình khác nhưng đến nay chưa bàn giao. Cử tri đề nghị 2 sở cho biết hướng giải quyết thế nào và tiến độ ra sao?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Trần Thế Cương nêu rõ, Sở Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp Sở Tài chính đề xuất TP chuyển trường cũ về thị xã Sơn Tây quản lý. Trong quá trình này một số doanh nghiệp đã đề nghị thuê lại, chuyển đổi chức năng khác nhưng quan điểm của Sở đây là quy hoạch trường học nên không nên chuyển đổi. Vì vậy, nếu bàn giao cho thị xã Sơn Tây thì phải sử dụng làm khu vực trường học. Hiện Sở Giáo dục – Đào tạo đang phối hợp với Sở Tài chính đề xuất chuyển trả lại thị xã Sơn Tây quản lý.
Chung quan điểm này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, sau khi phân cấp quản lý trình UBND TP bàn giao cho thị xã Sơn Tây quản lý thì Sở Tài chính thống nhất giữ nguyên quan điểm của Sở Giáo dục – Đào tạo là không được chuyển đổi công năng khác vì sau này nhu cầu cần cho trường học sẽ cao hơn. Tháng 5/2024 đã liên sở đã trình UBND TP bàn giao Trường THPT Sơn Tây (địa điểm cũ) cho thị xã Sơn Tây quản lý nhưng giữ nguyên công năng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-viec-khai-thac-su-dung-thiet-che-van-hoa-thon-to-dan-pho.html