Kinhtedothi-Thảo luận về những nội dung còn khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung nguyên tắc áp dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch; làm rõ khái niệm “công trình ngầm”; định nghĩa rõ về khu vực nội thành, nội thị…
Sáng 25/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quy định rõ tránh sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cho rằng, Dự thảo Luật cần có quy định để bảo đảm sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…
Tại điều 8 của Dự thảo Luật quy định, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc quy định như vậy có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.
Bên cạnh đó, điều 8 của Dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như: quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý…
Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (đoàn tỉnh Bình Định) cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, vì thế Dự thảo Luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các Dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Định nghĩa rõ khu vực nội thị, ngoại thị
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”; đồng thời, bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại điều 6, điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại điều 20, điều 21.
“Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị; làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp”- đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu.
Còn theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, khái niệm đô thị và nông thôn như Dự thảo Luật đang đưa ra dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… sẽ gây vướng mắc.
Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỉ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Cần quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
Đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm “siêu đô thị” trong Dự thảo Luật?
Về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng điều 21 về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương quá chi tiết, có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, đề nghị cân nhắc viết theo hướng bao quát hơn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đồng tình với quan điểm, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Đại biểu cho rằng, cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau; cần phân định rõ ràng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, tại điều 20 Dự thảo Luật quy định theo hướng: cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. Thậm chí ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới.
Góp ý về Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng Đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, về hệ thống quy hoạch đô thị, thực hiện Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP Hà Nội lập quy hoạch chung Thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn, thị tứ. Dưới quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị. Từ đó dẫn đến, để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.
Hiện nay, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang tiếp tục quy định tại điều 3, điều 20 là quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị mới… Từ đó dẫn đến, sau khi điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thì TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn, rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị bổ sung quy định, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, sau đó sẽ lập ngay các quy hoạch phân khu để tránh lãng phí, sớm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-tieu-chi-trong-lap-quy-hoach-do-thi-han-che-lang-phi-nguon-luc.html