Liên quan chính sách phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật Dược 2016 cũng có các chính sách để tăng cường việc tự cung, tự cấp thuốc thiết yếu cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Do nguồn lực còn nhiều khó khăn, nên mục tiêu của giai đoạn đó là tập trung sản xuất các thuốc generic. Và công nghiệp dược nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu 2016 cả nước chỉ có 167 cơ sở sản xuất dược thì tới năm 2023 đã tăng lên 238 cơ sở; giá trị sản xuất thuốc trong nước chiếm gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng… thuốc sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng được thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác phòng và chữa bệnh.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, với mô hình bệnh tật thay đổi và để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thì việc tập trung cho phát triển ngành dược, công nghiệp dược là nhu cầu rất thiết yếu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị…
Dự thảo bổ sung các quy định hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; các hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước, hoạt động nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.
Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm. |
Bên cạnh đó, tiếp tục cụ thể hóa các ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc.
Tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc, nguyên liệu làm thuốc được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và thuốc công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam, thuốc generic của thuốc mới sắp hết thời hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế; thuốc cổ truyền được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao và từ nguồn dược liệu đạt GACP-WHO; cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, thuốc đã được thử lâm sàng tại Việt Nam.
Dự thảo cũng đưa ra các chính sách ưu đãi đầu ra (mua thuốc, thanh toán bởi bảo hiểm y tế, giữ giá và giảm giá theo lộ trình…) đối với các thuốc mới được nghiên cứu, thuốc biệt dược gốc nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân.
Nguồn: https://nhandan.vn/lam-ro-them-nhung-dinh-huong-moi-cho-phat-trien-cong-nghiep-duoc-post816234.html