Và thực tế giá thuốc vẫn âm thầm tăng, có thể do tỉ giá và nhiều lý do khác, nhưng người mua thì thấy cứ sau một thời gian lại có giá khác. Đành rằng đầu vào tăng thì bán ra tăng, nhưng đã hợp lý chưa?
Với hàng chục ngàn cơ sở bán lẻ thuốc, cần cơ chế quản lý giá.
Hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh giá
Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi cầm một toa thuốc của người thân mắc bệnh đái tháo đường type 2 đi mua thuốc. Toa thuốc gồm có thuốc Diamicron MR 30mg, FanuMet 50/500gr và thuốc tiêm dưới da Toujeo Solostar.
Chúng tôi đến nhiều nhà thuốc trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP.HCM để hỏi giá bán cho toa thuốc này.
Tại nhà thuốc L., nhân viên báo giá thuốc Diamicron MR 30mg 3.148 đồng/viên, FanuMet 50/500gr 10.700 đồng/viên, giá thuốc tiêm là 510.000/cây. Còn tại nhà thuốc P., nhân viên cho hay thuốc Diamicron MR 30mg có giá 3.149 đồng/viên, thuốc FanuMet 50/500gr là 10.378 đồng/viên, còn thuốc tiêm thì hết.
Nhà thuốc H. bán Diamicron MR 30mg 3.500 đồng/viên, hai loại thuốc kia không bán. Nhà thuốc B. bán FanuMet 50/500gr với giá 11.000 đồng/viên. Hai loại thuốc kia không có. Còn nhà thuốc O. bán thuốc Diamicron MR 30mg 3.300 đồng/viên, hết loại thuốc FanuMet, thuốc tiêm không bán.
Như vậy, qua khảo sát giá thuốc tại 5 nhà thuốc, cho thấy giá thuốc Diamicron MR 30mg tại các nhà thuốc chênh lệch nhau, dao động từ 3.148 – 3.500 đồng/viên. Thuốc FanuMet 50/500gr dao động từ 10.378 – 11.000 đồng/viên.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 22.000 số đăng ký lưu hành thuốc nhưng chỉ có 800 hoạt chất, trong khi Singapore có 1.200 hoạt chất nhưng chỉ có 10.000 số đăng ký, Nhật Bản có 1.600 hoạt chất có khoảng 10.000 số đăng ký. Cả nước có hơn 60.000 nhà thuốc/quầy thuốc nhưng quy mô và cơ số thuốc cung ứng không đồng đều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng nhiều số đăng ký cho một hoạt chất nên cạnh tranh nhiều, khi đấu thầu chọn giá rẻ, trong khi nhiều thuốc chất lượng chưa được chọn. Bên cạnh đó, tình trạng bùng nổ các công ty bán buôn và nhà thuốc bán lẻ dẫn đến tăng chi phí trung gian, giá thuốc tăng là ở khâu này.
Cải thiện quy trình, thủ tục cấp số đăng ký thuốc
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cần định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký, đồng thời sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế bằng các tổ chức chuyên nghiệp như các nước đang làm… Ưu tiên sản xuất trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước đã bị vốn ngoại thôn tính, dẫn đến hệ lụy là mất an ninh dược phẩm.
Để phát triển công nghiệp dược, bà Lan cho rằng cần cải thiện quy trình thủ tục cấp số đăng ký thuốc, nhưng cần xem xét gốc rễ là tình trạng cấp số đăng ký không định hướng, chỉ xét trên hồ sơ, dẫn đến quá tải, chậm cập nhật thuốc mới.
Đồng thời phải quy định tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc (khoảng cách bao nhiêu mới cấp phép nhà thuốc, không để mật độ quá dày); vai trò làm việc tại nhà thuốc của dược sĩ có chứng chỉ hành nghề; công khai giấy phép tại nhà thuốc; tăng cường vai trò của hội hành nghề.
Quan trọng hơn nữa phải giải quyết tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tăng giá thuốc.
Về việc kê khai giá bán buôn, giá bán lẻ đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, dự thảo Luật Dược đã thay đổi bằng hình thức công bố giá bán buôn dự kiến, có ý kiến chuyên gia cho là cần kiểm soát được giá công bố, nếu không sẽ không khác gì hình thức kê khai giá hiện hành. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp khá đồng thuận với đề xuất này.
Các chuyên gia đề xuất quy định quản lý giá thuốc cần cơ chế đặc thù so với các ngành hàng khác, do số lượng mặt hàng thuốc rất lớn, cơ cấu giá phức tạp và nhiều yếu tố biến động, hệ thống phân phối (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ sở bán buôn, bán lẻ) rất lớn nên một số biện pháp không thể áp dụng theo quy định chung của Luật Giá vốn áp dụng cho mọi loại hàng hóa.
Luật Dược sửa đổi sẽ tiếp sức ngành dược phát triển
Trao đổi với báo giới ngày 15-10, đại diện một nhóm doanh nghiệp dược chia sẻ đang rất mong chờ Luật Dược sửa đổi và có hiệu lực thực hiện sẽ tiếp sức cho ngành dược. Theo vị này, hai năm gần đây nhiều vướng mắc về đăng ký thuốc đã được tháo gỡ, việc đăng ký lưu hành thuốc đã nhanh chóng hơn trước.
“Trong dự thảo luật sửa đổi có điểm đáng chú ý về giảm thủ tục hành chính, ví dụ hiện hành muốn thay đổi bao bì tiếp xúc với thuốc sẽ phải nộp hồ sơ thông thường mất 12 tháng, nhưng dự thảo đề xuất chỉ cần hồ sơ bổ sung và thời gian chỉ cần 3 tháng.
Chúng tôi cũng kỳ vọng thời gian cấp phép được nhanh chóng hơn để các thuốc mới sớm về Việt Nam, bởi trong khu vực hiện nay nếu có thuốc mới thì Singapore, Malaysia sẽ được tiếp cận sớm hơn” – vị này nói.
Về quản lý giá thuốc, nếu Luật Dược sửa đổi được thông qua vào kỳ họp tới đây của Quốc hội thì đầu năm 2025 luật sẽ có hiệu lực thực hiện, tuy nhiên thời gian từ khi có luật đến khi luật có hiệu lực sẽ có một khoảng trống là không biết kê khai giá (theo quy định hiện hành) hay công bố giá (theo dự thảo), rất cần cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn thực hiện trong thời điểm này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-60-000-co-so-ban-le-gia-thuoc-moi-noi-mot-kieu-quan-sao-20241015223621582.htm