Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley Chetan Ahya nhấn mạnh, vào quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ vượt trội so với Mỹ và châu Âu.
Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ vượt Mỹ và châu Âu vào cuối năm nay. (Nguồn: CNN) |
Lý giải cho nhận định trên, ông Ahya cho biết, Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất của khu vực – sẽ phục hồi trên diện rộng vào cuối năm 2023. Trong khi đó, ba nền kinh tế lớn khác của châu Á là Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ.
Một điểm sáng khiến khả năng phục hồi của châu Á mạnh hơn so với Mỹ và châu Âu, theo ông Ahya, đó là lạm phát “không dữ dội” như 2 khu vực còn lại.
Tại đây, các ngân hàng trung ương không cần thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, do lạm phát chỉ bằng gần một nửa so với Mỹ và châu Âu.
Tại Mỹ, lạm phát đã giảm xuống 4% trong tháng Năm, ghi nhận tỷ lệ thấp nhất trong hai năm, sau khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
Từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất hàng tháng. Trải qua 10 lần tăng lãi suất liên tục, trong cuộc họp chính sách vừa diễn ra ngày 14-15/6, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% với lý do cuộc chiến chống lạm phát cho thấy một số hứa hẹn.
Tương tự, ở châu Âu, lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống 6,1% trong tháng Năm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đưa ra bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy sẽ tạm dừng hành động, khi lãi suất của khu vực hiện đạt 3,25%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Nhưng các ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu giảm lãi suất, bao gồm Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Singapore.
Một động lực khác hỗ trợ tăng trưởng của châu Á là sự phục hồi dự kiến của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Ông Ahya nói Morgan Stanley đánh giá, sự phục hồi của Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa trong nửa cuối năm nay và dự báo mức tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ ở ngưỡng 5,7% vào năm 2023, cao gần gấp đôi so với mức 3% của năm ngoái.
Hỗ trợ tốc độ tăng trưởng chung của toàn khu vực châu Á còn có Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Cả ba nước này đều đang có chu kỳ phục hồi nhu cầu nội địa tích cực.
Chuyên gia Ahya dự đoán mức tăng trưởng trong năm 2023 của Ấn Độ sẽ đạt 6,5%. Và Nhật Bản đang ở “điểm thuận lợi” trong việc thoát khỏi giảm phát, trong khi không gặp vấn đề lạm phát nghiêm trọng như Mỹ và châu Âu.