Tại cuối năm 2022, lãi tiết kiệm của nhiều ngân hàng thương mại đều có xu hướng tăng cao với biên độ trung bình dao động từ 8-11%/năm. Tuy nhiên, hiện tại tình hình đã có sự thay đổi khi lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt trong năm 2023 vừa qua.
Ghi nhận tại nhóm ngân hàng Big4, lãi suất huy động trực tuyến với kỳ hạn 1 và 2 tháng hiện chỉ còn quanh ngưỡng 2%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động cho tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm cũng chỉ ở mức trên dưới 4%.
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm cao hơn nhưng cũng chỉ quanh ngưỡng từ 5-6%. Như vậy, nếu so sánh với cách đây 1 năm, lãi suất huy động đã giảm tới hơn 1 nửa. Thế nhưng nghịch lý đó là lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn có xu hướng gia tăng.
Thống kê trong hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế năm 2023, lượng tiền gửi vẫn đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Những yếu tố trên đã đặt ra một câu hỏi lớn về tình hình kinh tế năm 2024, đó là dòng tiền đầu tư sẽ chảy đi đâu? Trong một báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Công ty chứng khoán KB (KBSV) đã đặt kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và bất động sản nhờ tín hiệu lãi suất giảm mạnh.
Về lĩnh vực bất động sản, KBSV cho rằng thị trường bất động sản sẽ nhận được nhiều trợ lực để hồi phục dù kịch bản tăng nóng trở lại sẽ không xảy ra.