Hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp có mức lãi suất tiền gửi các ngân hàng hiện nay hấp dẫn hơn gửi tiền mặt tại quầy. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng tiếp tục giảm mạnh đối với nhiều kỳ hạn.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 6/2023? (Nguồn: Lao động) |
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông báo giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa từ ngày 25/5. Biện pháp này với mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, từ ngày 25/5 đồng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi mới với mức giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn.
Gửi tại quầy
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng tiếp tục giảm mạnh đối với nhiều kỳ hạn. Tính đến sáng 25/5, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng đang là 8,2%/năm tại VIB, tiếp theo là 8,1%/năm tại ABBank, Bảo Việt, giảm 0,2% so với tháng 4.
SCB vốn luôn dẫn đầu về lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống thì nay lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng đã giảm mạnh xuống còn 7,8%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất hiện áp dụng là 7,8%/năm tại ABBank, GPBank; 7,75%/năm tại SCB; 7,7%/năm tại NCB.
Đối với kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, lãi suất cao nhất là 8,30%/năm được ngân hàng ABBank, Timo áp dụng.
Trong khi đó, lãi suất huy động tiền gửi tại 4 ngân hàng lớn (gọi tắt là Big4) gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank giảm 0.5%/năm tại kỳ hạn 1-3 tháng và 0,3%/năm cho kỳ hạn 6-24 tháng so với thời điểm đầu tháng 5. Lãi suất tiết kiệm cao nhất của 4 ngân hàng này ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với kỳ hạn từ 6 – 9 tháng, lãi suất niêm yết ở mức 5,5%/năm.
Gửi trực tuyến
Với kỳ hạn 1 tháng khi gửi tiết kiệm online, không còn ngân hàng nào áp dụng mức 5,5%. Lãi suất ngân hàng hiện nay cao nhất là 5,50% được niêm yết bởi ngân hàng ABBank, Bắc Á, SCB, Nam Á Bank, VIB… Tương tự với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều được niêm yết trong khoản từ 4,0-5,0%.
Nam Á Bank là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng hiện nay, ở mức 8,5%, tiếp theo là ABBank ở mức 8.2%.
Ở kỳ hạn 12 tháng, GPBank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất, ở mức 8,50%/năm. Các kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, GPBank vẫn là ngân hàng áp dụng lãi suất ngân hàng, ở mức 8,6%/năm.
Hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp có mức lãi suất tiền gửi các ngân hàng hiện nay hấp dẫn hơn gửi tiền mặt tại quầy. Do đó, bạn có thể cân nhắc hình thức gửi để hưởng mức lãi suất và ưu đãi cao nhất.
Tiền sẽ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng
Sau 3 đợt cắt giảm liên tiếp của NHNN, lãi suất điều hành đã giảm về mức trước Covid-19, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi Covid-19 diễn ra. Nhưng lãi suất cho vay bình quân vẫn cao hơn trước dịch khoảng 1%.
Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. Mức lãi suất này so với “đỉnh” cuộc đua lãi suất vào tháng 12/2022 đã giảm 2-4%/năm tùy từng ngân hàng.
Người dân vẫn luôn có tâm lý kỳ vọng lãi suất thực dương. Tuy nhiên, lãi suất giảm sâu, có thể tiền sẽ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác”.
Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm.
Lãi suất cho vay hiện tại cao một phần là do ngân hàng đã huy động một lượng vốn có chi phí cao từ khoảng nửa cuối năm ngoái. Nhiều ngân hàng đã trót huy động lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái nên hiện khá chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay dự kiến giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại “hấp thụ” hết lượng vốn giá cao trước đây.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù lãi suất cho vay có thể giảm thêm thời gian tới nhưng với sức khỏe doanh nghiệp yếu đi, điều kiện giải ngân không được “nới”, nhiều khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng chậm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu lãi suất trong xu hướng hạ, song rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra, doanh nghiệp vay vốn sẽ không dễ dàng. Về phía doanh nghiệp, ngay cả với doanh nghiệp khỏe thì nhu cầu vay vốn cũng chỉ ở mức “cầm chừng” do đầu ra khó khăn, sức cầu thị trường giảm, hàng hóa bán chậm. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ giảm lãi suất chưa thể cứu doanh nghiệp mà cần thêm các giải pháp đồng bộ khác như giảm thuế, tăng an sinh xã hội… để kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài.