Giảm sốc từ 10,65% xuống 5,4%/năm
Kể từ tháng 3/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động liên tục “thủng” các đáy mới.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày cuối cùng của tháng 7/2023, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…
Một trong những yếu tố giúp ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay là lãi suất huy động tiếp tục giảm.
Từ ngày 1/8/2023, thị trường chứng kiến lãi suất huy động tiếp tục xuống mức thấp hơn. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), đơn vị có lãi suất huy động cao thứ hai thị trường bất ngờ điều chỉnh giảm sốc lãi suất.
Cụ thể, trước đây, ABBank là “á quân” lãi suất khi niêm yết con số 10,9%/năm trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được ưu đãi này. Mức 10,9%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi trên 1.500 tỷ đồng.
Trong vài ngày cuối tháng 7, ABBank gây chú ý khi giảm mức cao nhất từ 10,9%/năm xuống 10,65%/năm. Nhưng đáng chú ý hơn cả, từ ngày 1/8/2023, ABBank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, con số 10,65% bị “xóa sổ”. Thay vào đó, mức lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng giảm sâu xuống chỉ còn… 5,4%/năm.
Ngoài ra, lãi suất các kỳ hạn dài (từ 15 tháng đến 48 tháng) giảm từ 6,5%/năm xuống chỉ còn 5,4%/năm. Ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, lãi suất cao hơn là 6%/năm.
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất
Không giảm sốc như ABBank nhưng nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh mạnh lãi suất. Trước đây, Ngân hàng Xây dựng (CB) thường xuyên áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,4%/năm. Nhưng hiện tại, con số này được điều chỉnh xuống chỉ còn 7,9%/năm.
Trước đây, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) thường xuyên áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,1%/năm. Hiện tại, con số này cũng đã giảm xuống 7,9%/năm. Đây cũng là điều Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) thực hiện.
Gần đây, cũng khá nhiều ngân hàng có thêm một đợt điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất nữa.
Hiện tại, sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chỉ là 6,85%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Còn với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lãi suất chỉ là 6,1%/năm và 6,6%/năm.
Còn với gói Tiết kiệm tích góp siêu linh hoạt, mức cao nhất là 7,55%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Còn ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 7,3%/năm. Tuy nhiên, mức lãi này không được áp dụng trong suốt thời gian gửi tiết mà chỉ có hiệu lực ở 30 tháng đầu và 6 tháng đầu.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng thay đổi biểu niêm yết. Theo đó, mức cao nhất là 7,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng. Các kỳ hạn dài còn lại có lãi suất dao động quanh 7%/năm và 7,1%/năm.
Trong thời gian gần đây, Top 3 ngân hàng có lãi suất cao nhất thường xuyên là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), ABBank và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
ABBank vừa mới giảm lãi suất. Còn PVCombank và HDBank vẫn duy trì mức lãi suất cao nhất lần lượt là 11%/năm và 9,1%/năm.
Cụ thể, cách đây vài ngày, PVCombank đưa mức cao nhất từ 11,5%/năm xuống 11%/năm. Với 11%/năm, PVCombank vẫn là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường. Tuy nhiên, mức lãi này chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 2.000 tỷ đồng.
Còn HDBank, kể từ ngày 1/8, HDBank áp dụng biểu niêm yết lãi suất mới. Dù vậy, mức cao nhất vẫn duy trì ở mức 9,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và có giá trị tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.