Các ngân hàng cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Thủ tướng trao đổi với thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các lãnh đạo ngân hàng thương mại bên lề hội nghị - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng (NH) nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát vào ngày 11-2.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, các NH cần nghiên cứu gói tín dụng đặc thù cho thị trường bất động sản, vay tiêu dùng, cho các động lực tăng trưởng mới...
Phải gỡ vướng để khơi thông tín dụng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 8% trở lên trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng phải khoảng trên 16%.
Vì vậy ngành NH nói chung và các NH thương mại nói riêng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó các giải pháp tập trung là tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Đặc biệt cần tập trung tín dụng, góp phần làm mới ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Nghiên cứu đưa ra các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; nghiên cứu gói tín dụng đặc thù cho thị trường bất động sản...
Đặc biệt, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn...
Cũng theo Thủ tướng, các NH thương mại phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai đề án 06; triển khai nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; có biện pháp thí điểm triển khai và quản lý NH ảo.
Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động NH, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện quản trị thông minh, xây dựng NH thông minh. NH tích cực triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng cũng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo,
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...
Cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Minh Phú - chủ tịch HĐQT TPBank - cho hay kinh tế của Việt Nam đang bước vào một chu kỳ phát triển và hồi phục tương đối rõ nét, với khả năng hấp thụ vốn tốt hơn.
Các NH thương mại, trong đó có TPBank, đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỉ đồng, giảm và đơn giản hóa các thủ tục, giảm quy trình nội bộ và áp dụng công nghệ...
Với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000km cao tốc, ông Phú cho biết NH đã tham gia nhiều dự án, như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và gần đây ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỉ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, sẽ giải ngân ngay trong tuần này. Vì vậy, theo ông Phú, cần xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khơi thông nguồn vốn tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập HDBank, cho biết NH này và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỉ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ, đồng thời thương lượng tăng lên 64 tỉ USD.
Nhằm góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đối số quốc gia, theo bà Thảo, HDBank đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ "Make-in-Vietnam"; sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao.
Tuy nhiên, bà Thảo kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng NH, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. NH Nhà nước giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỉ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Chính phủ và NH Nhà nước hỗ trợ nhanh, kịp thời quá trình tái cấu trúc DongA Bank theo phương án chuyển giao bắt buộc.
"Tăng trưởng trên 8% không phải là giấc mơ xa vời mà là mục tiêu khả thi, nền tảng của giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo với GDP tăng hai con số, khi có hành động quyết liệt và sự đồng lòng của cả hệ thống.
Chính phủ đã tiên phong, doanh nghiệp phải đổi mới, NH phải đồng hành. Chúng ta sẽ bứt phá mạnh mẽ, không ngại thách thức", bà Thảo nhấn mạnh.
Lãnh đạo các NH nhấn mạnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu. Đại diện Vietcombank đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn...
Tuy vậy NH vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu công dân do thiếu kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý.
Hàng trăm ngàn tỉ đồng tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc NH Nhà nước - cam kết ngành NH sẽ tập trung tối đa vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, với định hướng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, đồng thời điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, tập trung xử lý nợ xấu...
Theo đó, một trong những ưu tiên của ngành NH là hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Ngoài ra sẽ khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, bà Hồng cho hay từ tháng 1-2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.
Vì vậy tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. NH Nhà nước khuyến khích các NH thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi xuất khẩu...
Đồng tình với thống đốc, các NH cũng cho rằng tín dụng xanh và tín dụng nhà ở xã hội cũng là những trọng tâm lớn.
Theo đó, các NH thương mại như Vietcombank, BIDV và VietinBank cam kết dành hàng trăm ngàn tỉ đồng để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh từ năm 2026.
Sớm luật hóa các giải pháp xử lý nợ xấu
Tuy vậy, một trong những rào cản lớn của hệ thống NH đang là vấn đề xử lý nợ xấu, khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Vì thế nhiều NH kiến nghị Chính phủ sớm luật hóa các giải pháp xử lý nợ để đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính.
Cùng với đó, cần tập trung cải cách thể chế và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel 3. Nếu không được cấp thêm vốn, một số NH có thể bị hạn chế trong việc mở rộng tín dụng.
Vì vậy một số NH thương mại đang đề xuất Chính phủ giãn tiến độ thực hiện quy định về CAR, nhằm đảm bảo đủ dư địa tín dụng cho nền kinh tế.
Khơi thông cơ chế, nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Theo các chuyên gia, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo - Ảnh: P.SƠN
Chiều 11-2, phát biểu tại hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải rà soát các vướng mắc thể chế, cơ chế chính sách, thí điểm ngay một số chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức toàn xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông.
Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo; quản trị phải thông minh, tối ưu hóa quản lý, xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương, viện trường và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...
Cũng tại hội nghị, đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường cho hay đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước và các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên.
Theo đó, NVIDIA mong muốn được đào tạo số lượng lớn và chuyên sâu cho sinh viên Việt Nam, nên cần số lượng giảng viên có chất lượng cao.
Chương trình cần đào tạo ở cả ba lĩnh vực nâng cấp, đào tạo lại, đào tạo mới và đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT...
Tổng giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài như hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định lâu dài tại Việt Nam.
Ngoài ra cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tích cực tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học, chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM...
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng cho rằng cần phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng.
Đồng thời cần phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao. Gắn với việc đào tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/don-von-cho-cac-dong-luc-tang-truong-2025021208004988.htm
Bình luận (0)