Nhà đầu tư lại “mắc bẫy”, “bắt đáy” trượt
Phiên chứng khoán 31/10 bắt đầu trong sự lo lắng của giới đầu tư. Có hai luống tâm lý khác nhau đang tác động đến thị trường. Trong khi một số người cho rằng sau khi VN-Index giảm quá sâu, một đợt bắt đáy sẽ xuất hiện thì không ít người khác lại bi quan.
Ngay từ giờ mở cửa, ưu thế thuộc về “phe lạc quan” khi sắc xanh nhanh chóng xuất hiện. Sau đó, VN-Index quay đầu nhưng đà giảm tương đối nhẹ nên nhà đầu tư vẫn tạm thời yên tâm. Đặc biệt, từ hơn 11h trưa, sắc xanh trở lại “thắp” nên niềm hy vọng.
Chứng kiến sắc xanh làm chủ bảng giao dịch điện tử trong phiên chứng khoán 31/10, khá nhiều nhà đầu tư đã tham gia “bắt đáy”. Tuy nhiên, sau đợt nghỉ trưa, bi kịch mới thực sự xuất hiện. Lực bán xuất hiện ồ ạt khiến VN-Index cắm đầu đi xuống.
Đóng cửa phiên chứng khoán 31/10, VN-Index giảm 14,21 điểm, tương đương 1,36% xuống 1.028,19 điểm; VN30-Index giảm 8,25 điểm, tương đương 0,79% xuống 1.039,38 điểm. Có thể thấy, nhà đầu tư tập trung xả hàng cổ phiếu mid-caps và penny chứ không phải blue-chips.
Toàn sàn TP.HCM chỉ có 66 mã giảm giá, 52 mã đứng giá và 448 mã giảm giá (52 mã giảm sàn). Nhóm VN30 có 16 mã giảm giá, 4 mã đứng giá và 10 mã tăng giá.
Cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính giúp chứng khoán 31/10 tránh được một phiên rơi tự do. Trong 10 blue-chips tăng giá, có tới 7 mã thuộc nhóm ngành ngân hàng. VCB tăng 900 đồng/CP, tương đương 1,05% lên 86.800 đồng/CP. VIB tăng 300 đồng/CP, tương đương 1,7% lên 17.900 đồng/CP. VPB tăng 100 đồng/CP, tương đương 0,5% lên 20.000 đồng/CP. ACB tăng 100 đồng/CP, tương đương 0,47% lên 21.400 đồng/CP.
Thanh khoản trong phiên chứng khoán 31/10 cải thiện so với hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức thấp. Chỉ có 756 triệu cổ phiếu, tương đương 14.882 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. Nhóm VN30 có 215 triệu cổ phiếu, tương đương 6.143 tỷ đồng được giao dịch.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số có tốc độ giảm mạnh vượt trội. Đóng cửa phiên chứng khoán 31/10, HNX-Index giảm 5,17 điểm, tương đương 2,45% xuống 206,17 điểm; HNX30-Index giảm 15,92 điểm, tương đương 3,78% xuống 405,02 điểm. Thanh khoản giảm xuống mức rất thấp khi chỉ có 110 triệu cổ phiếu, tương đương 1.913 tỷ đồng được trao tay.
Chứng khoán Nhật Bản tích cực nhờ lãi suất
Chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên tăng điểm sau quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản, trong khi các thị trường châu Á – Thái Bình Dương khác giảm do hoạt động sản xuất bất ngờ thu hẹp ở Trung Quốc.
Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn và cho biết họ đã thực hiện chính sách kiểm soát đường cong lợi suất linh hoạt hơn.
Ở những nơi khác vào thứ Ba, dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 đạt 49,5 so với kỳ vọng thăm dò của Reuters là 50,2. Chỉ số PMI dưới 50 biểu thị sự co lại.
Nikkei 225 của Nhật Bản đã đảo ngược mức giảm trước đó để kết thúc cao hơn 0,53% ở mức 30.858,85, trong khi Topix kết thúc tăng 1,01% ở mức 2.253,72.
Kospi của Hàn Quốc giảm 1,41% xuống 2.277,99 và Kosdaq giảm 2,78% xuống 736,10.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,69% trong giờ giao dịch cuối cùng, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 0,31% và chấm dứt chuỗi 5 ngày tăng điểm, kết thúc ở mức 3.572,5.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 kết thúc ngày tăng 0,12% ở mức 6.780,7, phục hồi từ mức thấp nhất trong năm.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Hai, trong đó S&P 500 kết thúc ngày ngoài vùng điều chỉnh, khi các nhà giao dịch bắt đầu một tuần quan trọng với quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, báo cáo việc làm và thu nhập của Apple.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 1,58%, đánh dấu ngày tốt nhất kể từ ngày 2 tháng 6.
S&P 500 tăng 1,2%, mức tăng tốt nhất kể từ cuối tháng 8. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,16%.