– Mẫn!
– Ơ! Trời đất! Miên, mày… mày thật hả Miên?
– Hương đưa địa chỉ cho mình từ tháng trước, nhưng bữa nay mình mới rảnh.
– Trời ơi! Tao đi tìm nhà mày suốt mấy năm trời. Tìm được thì mày lại không có nhà. Nghe tin mày đã lấy chồng, hai vợ chồng giàu sang lắm nên tao ngại.
Sự mừng vui bất ngờ của bạn làm Miên lúng túng. Đã bao lâu rồi cô có địa chỉ của Mẫn, vậy mà sao tới hôm nay mới có một ngày cô rảnh để ghé lại cái xã đảo cách nơi cô ở vài ba chục cây, cách con đường cô thường phải đi công tác qua chưa đầy 2 km này.
Mẫn đã từng là bạn thân của cô từ thời đánh chắt đánh chuyền, cũng là bạn thân nhất thuở học cấp II của Miên. Sang cấp III cô vào lớp A, lớp của những đứa học sinh giỏi và ngoan theo cách chọn của các thầy cô giáo trong trường. Cái tiếng lớp chọn, lớp điểm đã khiến tình bạn giữa hai đứa vần M hay ngồi cạnh nhau trong các kỳ thi dần loãng ra. Từ lúc nào Miên bỗng thấy việc lén lút giấu thầy đưa bài thi của mình cho Mẫn chép là không tự nhiên, cũng không thấy cái việc xách dép đuổi nhau vòng quanh sân trường hay leo chót vót lên ngọn cây đa cuối làng là thú vị. Một chiếc áo đứt cúc hay cái quần xanh chéo có hai miếng vá ở mông là chuyện bình thường của thời cấp hai, giờ bỗng khiến Miên xấu hổ trước những người bạn mới quần áo sạch đẹp, ngoan ngoãn nhẹ nhàng. Cái thế giới học trò đã bắt đầu hình thành quy luật khắc nghiệt của sự phân chia thứ hạng mà bắt đầu từ những cái cặp đựng sách vở lành hơn cho đến cách đối xử ưu ái của thầy cô và số điểm tổng kết học kỳ cao hơn. Khoảng cách đó càng lớn thêm khi Miên bỗng phát hiện ra rằng Mẫn cũng thích Tuấn.
Tuấn là con trai của một giám đốc Sở có tiếng tăm nhất tỉnh, đẹp trai, học giỏi. Miên, Mẫn và Tuấn học cùng, chơi chung từ bé. Mẫn nhanh nhẹn, xinh đẹp và chất phác. Miên thông minh, duyên dáng, giàu cảm xúc. Tuy vậy Miên và Tuấn cùng học chung một lớp nên thân nhau hơn. Mối tình đơn phương của Miên với Tuấn theo cô suốt hai mươi năm trời. Tuấn luôn là điểm sáng nổi bật trên cái màu mờ nhạt của dĩ vãng về hình ảnh vùng quê mà Miên đã xa. Cái vùng đồng bằng chiêm trũng với màu xanh mướt của lá lúa lá ngô ám ảnh cô bao năm. Nơi ấy, nơi dòng sông Trà đỏ rực mỗi năm lấn sang bên kia hàng mét đất tạo lên vùng đất bãi màu mỡ phù sa, cô có tuổi thơ, có bạn bè, người quen và cả mối tình dại khờ chưa bao giờ được đền đáp.
Đến bây giờ thì Miên có thể cười về sự ích kỷ, kiêu ngạo vô lối của mình. Nhưng khi đó Miên chỉ có cảm giác của một tín đồ ngoan đạo đứng đằng xa chiêm ngưỡng, đột nhiên thấy một kẻ bình thường vô danh nào đó tiến tới gần, tự tin bám vào cánh tay, sờ vào vạt áo của thần tượng. Miên không còn rẽ sang nhà Mẫn mỗi buổi đi học về, cũng không còn rủ Mẫn lội đầm ngắt hoa súng trắng nữa. Như hầu hết các thiếu nữ thôn quê, nếu có mong đổi đời cũng nhờ vào việc lấy chồng chứ không nhờ việc học, cuối năm lớp mười một, Mẫn bỏ học. Tình bạn của họ gần như tan vỡ dù chẳng ai nói lời chia tay.
Sau nhiều năm phiêu dạt hết Đà Lạt lại Sài Gòn, Miên định cư tại Vũng Tàu. Cái vùng đất nửa thị nửa thành này không chỉ cách miền quê xanh màu quá khứ nhiều đêm cô vẫn mơ thấy tới một ngàn năm trăm km mà còn xa bởi hàng chục lý do. Ở cái thành phố biển nhỏ bé với gần như đầy đủ dân cư của hơn sáu mươi tỉnh thành trong cả nước đổ về này, Miên không phải là người thành đạt nhưng cũng không phải người thất bại. Cô là một chuyên viên bình thường của ngành hải quan. Trước đây công việc của Miên gắn với căn phòng mười sáu mét vuông mà chiếm tới mười hai mét là máy móc, thiết bị văn phòng; những đồng nghiệp lạnh lùng vô tình nhưng có cái hay là không biết xoi mói thóc mách. Hai năm trở lại đây cô chuyển về chi cục hải quan cửa khẩu trên Phú Mỹ. Thời gian làm việc giảm xuống nhưng thời gian đi lại lại nhiều hơn càng khiến Miên ít giao du gặp gỡ. Một năm Miên có mười hai ngày phép và cô có đủ thời gian để về quê, nhưng Nghĩa, chồng cô sẽ không để cô về một mình, còn cô lại không muốn về cùng Nghĩa. Miên thường dằn cái khát khao cháy bỏng được tự do một mình lang thang nơi đồng lúa bãi dâu, ngồi ngắm hoàng hôn nơi bến đò heo hút ven sông bằng cách đi ra biển. Lặng lẽ như người mộng du, ngồi trên bờ đá, thả chân xuống biển khi triều lên. Giá gì cô được trở lại quê nhà, trở lại cái tuổi mười tám hai mươi, tự do tìm đến nhà mấy đứa bạn. Nhất định chúng nó sẽ kêu Tuấn về. Anh sẽ bước vào nhà với nụ cười rạng rỡ nhất, sẽ xoa đầu cô và chở cô đi những nơi cô muốn. Cô biết là anh sẽ làm như thế dù cô đã bao nhiêu tuổi, dù anh đã có gia đình. Anh cũng sẽ không ngần ngại dẫn cô tới nhà bạn bè, người quen và giới thiệu “Người yêu cũ của tớ!” với cái nháy mắt tinh nghịch, nụ cười đôn hậu và sự tự nhiên vô tư đến đau lòng. Anh tự nhiên như thế đơn giản có thể vì lòng anh trong sáng và vì những lý do nào nữa thì Miên chẳng thể đoán ra, bởi vì anh luôn giấu những suy nghĩ, tình cảm thật của mình dưới cái mặt nạ vô ưu tươi tắn nhất.
Nghĩa thường thắc mắc tại sao cô muốn về quê một mình. Anh không phải là người hay ghen. Tuy nhiên anh cũng chỉ là một người đàn ông, đôi khi cũng có những ích kỷ, đa nghi, hẹp hòi. Miên lấy Nghĩa khi đã ngoài ba mươi. Thời thiếu nữ kéo dài khiến cô có khá nhiều mối tình với những chàng trai bị khuôn mặt duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng và cá tính hấp dẫn của cô thu hút. Cô và Nghĩa biết nhau thì dài lâu, yêu và hiểu nhau lại ngắn ngủi. Anh có thể tưởng nhầm Tuấn là một trong những bóng ma ẩn hiện trong quá khứ của cô. Cô không ngại Nghĩa ghen, cô chỉ không muốn Nghĩa nghĩ về Tuấn tầm thường như thế. Luôn luôn trong trái tim cô, Tuấn ở một vị trí cao hơn cho cô hướng tới. Nghĩa biết hết về những mối quan hệ khác của cô và cũng chẳng mấy khi hỏi cô về quá khứ. Anh là người thực tế, luôn quá bận bịu với những gói thầu béo bở, những dự án sắp thi công, những đồ đạc tiện nghi mà bạn bè anh đã sắm và thêm một điều nữa; anh hiểu vợ hoặc tưởng rằng mình hiểu vợ. Anh cho rằng cô chẳng yêu ai tới mức dám từ bỏ tự do của mình, cũng chẳng phải là kẻ liều lĩnh dám bất chấp dư luận để làm gì đó ảnh hưởng tới danh dự của bản thân và gia phong của một gia đình có tiếng là gia giáo, nề nếp.
Miên không thích sự tin cậy cũng như cái tính vô tư đến vô tâm của chồng nhưng đôi lúc cô vẫn nghĩ dù sao sự hiểu nhầm của Nghĩa cũng là một điều may mắn. Nghĩa nói thế vì anh không biết gì về Tuấn và cái tình cảm đơn phương tha thiết mà cô dành cho Tuấn.
Ngày tháng cứ trôi mà sự thay đổi của con người ta diễn ra nhanh lắm. Ngày hôm trước còn quyền cao chức lớn hôm sau đã là kẻ tầm thường. Hôm qua giàu sang sung túc, hôm sau đã bần cùng trắng tay. Chỉ sau một cái chớp mắt là thành quách lâu đài có thể biến thành hoang tàn đổ nát. Cô biết rõ điều đó và không lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh đã từng trải hơn, lớn mạnh hơn rất nhiều khi gặp lại nhau lần cô ra Hà Nội. Công việc của cô là cố định. Công việc của Tuấn lại phải di chuyển nhiều. Ngày xưa, mỗi năm một đôi lần anh vào Sài Gòn công tác, tranh thủ xuống Vũng Tàu. Tuy nhiên cái quãng thời gian ngắn ngủi trong những lần gặp nhau hiếm hoi đó không đủ cho cô bóc cái mặt nạ vui vẻ, trẻ trung, ân cần, lịch sự ra để thấy những dằn vặt, ưu tư, lo buồn, trăn trở mà cô biết rõ là luôn có trong anh. Cô đã muốn biết bao được chia sẻ với anh những vui buồn đau đớn, cả những chán chường tuyệt vọng mà anh đã gặp nhưng nụ cười ân cần gần như rạng rỡ và ánh mắt dịu dàng của anh lại lấy đi hết những can đảm, vốn đã chẳng có nhiều khi nhắc về vấn đề tình cảm của cô. Lần duy nhất cô bộc lộ tình cảm của mình rõ ràng nhất là khi chỉ có anh và cô trên bến tàu. Trong cơn gió chiều hè cuộn lên từng đợt cuốn theo cả cát và nước biển đập vào bờ, không kìm được lòng mình, cô đã ôm cứng lấy anh, cố giấu đi những giọt nước mắt thất vọng khi thấy tàu đã cập bến mà anh vẫn chẳng nói gì. Anh vỗ nhẹ vào lưng cô và từ từ gỡ tay cô ra, khẽ bóp chặt tay cô như thấu hiểu nhưng vẫn chẳng có gì ngoài một ánh mắt tha thiết như một lời xin lỗi.
Hai tháng sau đó cô đồng ý lấy Nghĩa. Tâm trạng đêm tân hôn của cô chẳng khác chi tâm trạng nàng Scarlett trong Cuốn theo chiều gió, chỉ có điều những giọt nước mắt của cô không thánh thót tuôn rơi mà nặng nề và lặng lẽ chảy ngược vào trong.
Nghĩa là người thành đạt và bận rộn. Anh yêu cô theo cách của một người đàn ông bình thường yêu vợ. Nhưng cô không cảm nhận được hạnh phúc. Phải chăng vì giữa cô và Nghĩa không có tình yêu. Một đôi khi cô lại dằn vặt mình vì câu hỏi tình yêu là gì? Nó có phải là thứ xa xỉ phẩm mà những người có số phận bình thường, mơ một cuộc sống bình an chẳng thể nào mong có được? Nhưng cô cũng không mong giữa cô và Nghĩa chỉ là sự cộng sinh. Cô rất sợ một lúc nào đó Nghĩa sẽ thuận miệng hỏi xem cô có yêu anh không? Nếu Nghĩa hỏi, cô sẽ không biết phải trả lời sao vì bao giờ nhắc tới chữ yêu, cô cũng nhớ tới Tuấn. “Every night in my dream I see you I feel you, that’s how I know you go on…” (*), câu hát như bật ra trong tâm trí cô. Có bao giờ ngày cũng như đêm, cô không nghĩ tới anh.
Mười mấy năm trời, tin tức về bạn bè cũ đã ngày càng ít đi, ấy vậy mà cô có tin về Mẫn cả mấy năm rồi cũng chẳng ghé qua. Cuộc sống công nghiệp nơi đô thị đã máy móc hóa tình cảm của con người, biến cô thành kẻ lạnh lùng, thờ ơ với mọi sự như một cỗ máy đã được lập trình sẵn chăng?
– Nghĩ gì mà mặt thất thần ra vậy?
Miên giật mình nhìn ra đã thấy Mẫn lỉnh kỉnh những bịch, những đồ bước vào.
– Ở lại đây, ăn với mẹ con tớ bữa cơm rau, kêu thêm dì Ba, bác Bảy cạnh nhà nữa.
Mẫn đã thay đổi cách xưng hô mày tao lúc ban đầu. Có lẽ vì cảm nhận được sự lịch sự xa cách của Miên. Chỉ có câu mời là vẫn gần gũi, đúng chuẩn người Bắc xưa.
– Ông xã cậu đâu mà nãy giờ không thấy. Anh ấy là…?
– Ông Thường người xã mình chứ ai! À, mà có khi cậu cũng chẳng biết đâu. Cậu vốn ít quan tâm tới mấy tay đàn ông, con trai quê mình mà… Bọn tớ cưới nhau, sinh thằng lớn rồi mới vào đây. Quê mình đất chật người đông. Nhà chồng tớ bốn ông con trai. Sáu bảy nhân khẩu trông vào mấy sào ruộng khoán và năm thước phần trăm bố chồng để lại. Giành giật nghi kỵ nhau… lay lắt quá, tớ mới theo ông anh trôi dạt về đây. Trong này đất đai trù phú. Đợt trước tớ ở Long Thành, Đồng Nai nhưng nhà nước quy hoạch làm khu công nghiệp Long Phước gì đó. Hơn chục công tiêu, điều được đền bù có mấy trăm triệu, cả nhà lại kéo về mua đất, dựng nhà ở đây. Trồng rau trồng cỏ lần hồi qua ngày. Được cái ông xã mình cũng chịu khó tìm tòi, thấy người ta nuôi nghêu cũng nuôi nghêu, thấy nuôi hào, ổng cũng mày mò học cách gây giống, dẫn nước nuôi hào. Mấy bữa nay thấy nói ở Nha Trang người ta nuôi tôm hùm trúng lắm, ổng khăn gói ra đó học nghề được mấy bữa rồi.
Giờ Miên mới nhìn kỹ lại căn nhà, nó quả thật tuềnh toàng tạm bợ nhưng đã có một số vật dụng tiện nghi đắt tiền và cái chính là nụ cười hạnh phúc viên mãn của Mẫn. Mà tại sao lại không nhỉ. “Tri túc, tiện túc, đãi túc bất hà thời túc – Biết đủ là đủ, đợi đủ biết đến bao giờ cho đủ”. Hạnh phúc cũng thế, nó đến khi ta biết bằng lòng với những gì mình có. Mẫn và những người trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng của cô ở cái xã đảo Long Sơn này, họ sống thật thoải mái vui vẻ. Họ vẫn ăn no, uống say và ngủ thoải mái trên tấm chiếu lót sàn. Còn cô, cô cũng sinh ra ở quê nhưng đã dần quen với việc tắm trong bồn, ngủ trên nệm êm, đắp mặt nạ hằng đêm và không thể chịu được việc áo gối, ga giường cả tuần không thay cùng trăm ngàn những thói quen gắn với những tiện nghi khác.
Mẫn tiếp cho Miên những món ăn mà cô gọi là “cây nhà lá vườn”, đủ cả tôm, hào nướng mọi, nghêu xào bông bí, cá kho tộ, canh chua, tuy kỹ thuật nấu ăn cũng như cách trình bày không bằng ở các quán hải sản nhưng bù lại toàn là thực phẩm tươi sống. Mấy người hàng xóm ăn xong dọn dẹp nhanh rồi rủ hai cậu con Mẫn đi ra đùng. Chỉ còn Mẫn và Miên ngồi nhắc tới chuyện xưa, loanh quanh một hồi rồi câu chuyện cũng quay về Tuấn.
– … Khi tớ vào nam, Tuấn có đến tiễn. Tuấn nói nhớ tìm gặp cậu. Thế mà gần chục năm rồi mình cũng không tìm ra cậu và cũng chẳng thể liên lạc được với Tuấn. Không biết Tuấn đã lấy vợ chưa? Hồi đó mình đã tưởng hai cậu… Thế rồi xảy ra chuyện bố Tuấn…
– Bố Tuấn… Bố Tuấn làm sao?
– Cậu không biết gì sao? Vụ dùng xe biển xanh đi nhậu gây tai nạn kéo theo mấy chuyện sai phạm về đất đai, quy hoạch gì đó khiến bác ấy bị kỷ luật, mất chức, về một thời gian rồi mất.
– Bác ấy mất khi nào? – Miên thảng thốt kêu lên.
– Lâu rồi. Hè năm 2012, hình như vào dịp tháng bảy âm lịch ấy, đúng dịp ông xã tớ về thăm quê.
Hè năm 2012… Tuấn vào đây hồi tháng tư năm ấy. Cô và Nghĩa cũng cưới nhau năm 2012. Bây giờ thì cô đã hiểu tại sao Tuấn không liên lạc lại cũng chẳng gọi điện chúc mừng.
Mẫn như hiểu ra, cô nắm lấy tay Miên:
– Cuộc sống vốn vậy! Người ta lạc nhau dễ lắm bạn à!
***
Rời nhà Mẫn, Miên chạy một mạch gần ba mươi cây về thành phố, gió tạt ù ù hai bên tai. Nước mắt cô lại ứa ra. Con đường này có một lần Tuấn và cô đã chạy xe máy qua. Cô đã từng ước được ngồi phía sau, áp má vào lưng anh, nhắm mắt lại ngủ quên trên vai anh tin cậy. Thế nhưng từ lâu cô đã không dám nhớ tới điều ước đó nữa.
Đường gần Bãi Trước đang đông dần lên. Trời nóng bức quá, ai cũng muốn đi ra biển, hít hà chút “vitamin sea” ở những quán cà phê nhan nhản bên đường. Để bớt đi chút căng thẳng mỏi mệt trong vòng xoáy mưu sinh hay để tránh né sự cô đơn trống trải trong cõi phù du này mà các quán cà phê cứ ngày càng đông khách?
Miên đi chậm lại, cố trông mặt những người đi ngược chiều với mình. Muôn ngàn khuôn mặt đều giống nhau, thờ ơ, không vui chẳng buồn. Từ bao giờ cô cũng đã sống thờ ơ như thế…
Miên về tới nhà khi đã rất khuya, lần mò mãi mới mở hết các ổ khóa kỹ càng của căn nhà rộng lớn. Miên vật mình xuống sofa trong một tâm trạng trống rỗng. Mùi hương ngọc lan nghẹn ngào lách qua khe cửa vào nhà làm cô tỉnh lại. Miên bật dậy, đẩy cửa sổ. Làn gió đêm cuốn theo mùi hương xa xăm, man mác ập tới rõ hơn. Bỗng chốc Miên nhận ra rằng thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao.
————————-
(*) Lời trong ca khúc My Heart Will Go On
Nguồn: https://thanhnien.vn/lac-nhau-truyen-ngan-cua-bui-de-yen-18524122819194758.htm