Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào ngày 18-19/10 với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoàn kết, đổi mới, phát huy lợi thế, hội nhập và phát triển”.
Trước thềm Đại hội, chia sẻ với Báo Dân Việt, nhiều Bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín của tỉnh Bắc Kạn đã bày tỏ niềm tin và sự kỳ vọng vào sự thành công của Đại hội cũng như công tác dân tộc tại tỉnh Bắc Kạn trong nhiệm kỳ mới.
Ông Đặng Tiến Lìu, người có uy tín thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết rất vui mừng khi trong nhiệm kỳ qua, Quyết tâm thư Đại hội đã được thực hiện rất tốt. Thông qua các chính sách dân tộc, thôn bản nơi ông sinh sống nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Kạn nói chung đều đã có những chuyển biến tích cực.
“Nhờ các chính sách, các Chương trình Mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng hạ tầng giao thông… mà việc phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt. Riêng thôn tôi 100% không có hộ nghèo, không có trộm cắp, vi phạm pháp luật. Tôi tin tưởng và kỳ vọng nhiệm kỳ tới, công tác dân tộc sẽ tiếp tục được nâng cao chất lượng hoạt động.
Tôi chờ đợi trong phần thảo luận của Đại hội sẽ có nhiều những ý kiến phát biểu, những chia sẻ về công tác dân tộc, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế. Những kinh nghiệm, chia sẻ của các đại biểu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý báu, giúp công tác dân tộc ở cơ sở hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn”, ông Lìu bày tỏ.
Còn ông Lý A Thán, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Qua, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn khẳng định, các thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có được sự chuyển mình đều nhờ vào các chính sách dân tộc, trong đó phải kể đến công tác dân tộc và những người làm ở cơ quan thực hiện chính sách dân tộc.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Lý A Thán, xã Khâu Qua có 57 hộ dân, nói chung việc thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật khá thuận lợi vì người dân ở đây chủ yếu cùng một dân tộc, là người Mông. Tuy nhiên, do ở vùng sâu, vùng xa, giao thông nhiều hạn chế nên đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn..
Thêm nữa, thôn Khâu Qua nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể nên không thể thực hiện các dự án trồng rừng do không được phát phá. Người dân chủ yếu thực hiện các mô hình chăn nuôi và được thụ hưởng các dự án hỗ trợ sản xuất như chăn nuôi lợn, nuôi dê. Năm 2023 cả thôn có 25 hộ được cấp phát lợn, mỗi hộ 5 con. Nhìn chung đàn lợn phát triển tốt và đều cho thu nhập khá. Tuy nhiên, thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cả thôn hiện có đến 95% là hộ nghèo.
“Người dân Khâu Qua chúng tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, nhà nước và các chính sách về dân tộc. Trước thềm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, chúng tôi mong muốn, Đảng, nhà nước, đặc biệt là cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh đưa thêm nhiều chương trình dự án đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như thôn Khâu Qua”, ông Lý A Thán mong muốn.
Nói thêm, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Qua nhấn mạnh: “Hạ tầng giao từ trung tâm xã đến thôn do ảnh hưởng bão số 3 bị sạt lở, hư hỏng nặng nề, chúng tôi mong muốn sớm được nhà nước hỗ trợ để người dân đi lại thuận tiện giúp việc phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa được tốt hơn trong thời gian tới.
Do địa hình đồi núi chia cắt, việc đi lại tuyên truyền của cán bộ thôn và người có uy tín cũng gặp khó. Hiện người có uy tín đang được hỗ trợ 500.000 đồng/năm. Tôi kiến nghị tăng mức hỗ trợ lên để việc đi lại, tuyên truyền được hiệu quả hơn. Và cuối cùng, tôi mong và tin tưởng rằng nhiệm kỳ tới, công tác dân tộc của tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi”.
Tại huyện Ngân Sơn, ông Triệu Văn Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Phiêng Khít, xã Thượng Ân chia sẻ, việc phát triển kinh tế của người dân thôn Phiêng Khít chủ yếu là dựa vào các sản phẩm nông sản đặc hữu như cây hạt dẻ, nếp thơm “khẩu nua lếch”, nấm hương. Nhờ công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước, thôn Phương Khít nhiều năm trở lại đây người dân đều rất tuân thủ, không có ai vi phạm pháp luật.
Theo ông Quý, với Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số sắp diễn ra, nhiệm kỳ tới, bà con trong thôn mong muốn sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là trong việc xây dựng hạ tầng giao thông, đường vận xuất, hệ thống kênh mương nội đồng và hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, giúp người dân sớm thoát nghèo.
Cũng theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Phiêng Khít, trong nhiệm kỳ III, thông qua công tác dân tộc và các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân của thôn cũng đã được hưởng lợi. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ sản xuất. Năm 2023, thôn có 10 hộ được hỗ trợ, mỗi hộ 10 con lợn; hỗ trợ cấp phát gà ri lai cho 20 hộ, mỗi hộ hơn 100 con. Các hộ được hỗ trợ đều thực hiện hiệu quả, tuy nhiên thôn Phiêng Khít vẫn còn hơn 50% hộ nghèo.
“Người dân chúng tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước cùng các chính sách dân tộc. Tôi tin rằng, tại Đại hội, những khó khăn, vướng mắc sẽ được đưa ra thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ. Và tôi cũng đặc biệt tin tưởng nhiệm kỳ tới, công tác dân tộc tại Bắc Kạn sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, đưa được nhiều hơn nữa các chính sách, các chương trình, dự án đến với vùng dân tộc thiểu số và miền núi như thôn chúng tôi để người dân sớm thoát nghèo, trở thành hộ khá, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Quý nói.
Nguồn: https://danviet.vn/ky-vong-cua-nguoi-co-uy-tin-vao-dai-hoi-iv-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-bac-kan-20241016165219908.htm