Ngày 23/5, Thủ tướng Papua New Guinea (PNG) James Marape tuyên bố, thỏa thuận quốc phòng với Mỹ cấm “các chiến dịch tấn công quân sự”.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape chứng kiến lễ ký thỏa thuận quốc phòng giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Win Bakri Daki hôm 22/5 ở Port Morseby. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu trên đài phát thanh nhà nước, ông Marape nói: “PNG không phải là một căn cứ quân sự để phát động chiến tranh. Có một điều khoản cụ thể nói rằng, sự hợp tác này không có nghĩa là đối tác sử dụng PNG làm nơi phát động các chiến dịch quân sự tấn công”.
Thủ tướng Marape khẳng định, thỏa thuận này không phải là một hiệp ước và không cần Quốc hội PNG phê chuẩn, đồng thời cho biết, ông sẽ công bố nội dung đầy đủ của thỏa thuận để dân chúng xem xét kỹ lưỡng vào ngày 25/5 tới.
Hôm 22/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký kết với PNG một thỏa thuận quốc phòng, theo đó cho phép các lực lượng của Washington tiếp cận các cảng biển và sân bay của đảo quốc Thái Bình Dương này.
Hai nước cũng có thể chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và tiến hành tuần tra chung trên biển, giúp mở rộng năng lực của PNG và tạo điều kiện thuận lợi hơn để quân đội Mỹ huấn luyện các lực lượng của đảo quốc Thái Bình Dương.
Thỏa thuận này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của sinh viên trong bối cảnh xuất hiện quan ngại nó có thể lôi kéo PNG vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
New Zealand là quốc gia đầu tiên trong khu vực bày tỏ quan điểm về thỏa thuận này.
Theo đó, ngày 22/5, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins tin tưởng, thỏa thuận là sự mở rộng quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ và thúc đẩy hợp tác song phương trong các vấn đề khác.
Theo ông Hipkins, việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ không đồng nghĩa với việc quân sự hóa khu vực.